Tăng cường giao thương Việt Nam – Hoa Kỳ trong tình hình mới

Linh Khang | 17:02 07/12/2021

“Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Hoa Kỳ đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nguồn cung từ Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nhà cung cấp chính, thị trường sản xuất quan trọng đối với Hoa Kỳ về mặt hàng dệt may, da giày”, bà Beth Huges, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc và giày dép Hoa Kỳ (AAFA) chia sẻ.

Tăng cường giao thương Việt Nam – Hoa Kỳ trong tình hình mới
Việt Nam và Hoa Kỳ cũng cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế.

Ngày 7/12, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội) và Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ (USABC) tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ 2021 với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020.

Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định; “Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Thành công này đạt được là nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn…”.

Liên quan đến đầu tư, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tính lũy kế đến tháng 10/2021, Hoa Kỳ hiện xếp thứ 11 trong tổng số138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 1.134 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,72 tỷ USD.

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hiện nay hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam.

“Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được mở rộng nhanh chóng ra nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng được đánh giá rất tiềm năng và hứa hẹn sẽ trở thành những lĩnh vực trụ cột trong hợp tác kinh tế-thương mại tương lai,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Bà Marie Damour, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ mong muốn giới thiệu nhiều công ty mới trong ngành y tế hợp tác đầu tư tại Việt Nam từ hợp tác công nghệ y tế, giới thiệu y tế hiện đại mới nhất.

Hoa Kỳ có thể cung cấp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghệ như công nghệ điện tử, online treaming cũng như cam kết hợp tác Việt Nam trong việc xây dựng công nghệ, phát triển sân bay với công nghệ mới nhất.

Bà Beth Huges, Phó Chủ tịch AAFA chia sẻ, nhằm đảm bảo chuỗi cung không bị đứt gãy AAFA cam kết tiếp tục ủng hộ và duy trì mối quan hệ đối tác với các nhà sản xuất Việt Nam để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham Hà Nội lưu ý, để khôi phục sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu điều quan trọng nhất hiện nay là cần tiêm đầy đủ vaccine cho người dân, người lao động.

Ngoài ra, việc tạo thuận lợi hóa thương mại, chính sách thuế, thủ tục hành chính… cũng cần được khắc phục cũng như thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa chính sách thuế Việt Nam và chính sách thuế Hoa Kỳ. Nếu chính sách thuế thuận lợi, thủ tục hành chính bớt rườm rà sẽ tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp Hoa Kỳ mà cả doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc giao thương với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ (TIFA) để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Việt Nam và Hoa Kỳ cũng cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại thông qua đàm phán nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, cũng như tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại gây bởi dịch Covid -19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tăng cường giao thương Việt Nam – Hoa Kỳ trong tình hình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO