Ngày 29/11, Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã công bố kết quả khảo sát nhanh đánh giá của các doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam về triển vọng của thị trường Việt Nam.
Cuộc khảo sát nhanh của AmCham Việt Nam được thực hiện từ ngày 15 đến ngày 17/11 với sự tham gia của hơn 550 công ty thành viên và 2.000 đại diện cá nhân của AmCham Việt Nam, bao gồm cả chi nhánh Đà Nẵng.
Có hơn 130 người trả lời, trong đó có khoảng 50% các thành viên là người đại diện cho Giám đốc điều hành, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc quốc gia.
Các thành viên của AmCham Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, việc triển khai vaccine tại Việt Nam đã cho phép nhiều lĩnh vực, ngành nghề mở cửa và phục hồi với lộ trình an toàn, cũng như đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Hơn 60% thành viên AmCham Việt Nam trả lời khảo sát đã quay trở lại hoạt động ở mức 80% công suất bình thường trở lên và 85% hoạt động ở mức 60% công suất bình thường trở lên.
Đối với những công ty chưa đạt công suất bình thường, 25% trong số này dự kiến sẽ đạt được 100% vào cuối năm 2021. Hơn 60% dự kiến sẽ trở lại bình thường vào quý 1/2022 và hơn 90% vào quý 2/2022.
Đáng chú ý, có gần 80% thành viên AmCham Việt Nam tham gia khảo sát đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam.
Những thành viên này cũng đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm tại Việt Nam.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam cho biết, các thành viên của AmCham Việt Nam đang trên đà trở lại với công việc kinh doanh và họ rất lạc quan về tương lai của Việt Nam.
Bên cạnh việc triển khai vaccine của Việt Nam, các chính sách nhất quán hơn trên khắp đất nước trong vấn đề điều chỉnh để chung sống an toàn với vi rút sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế.
Tự do hóa yêu cầu đi lại quốc tế của các chuyên gia nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho kế hoạch mở rộng của các doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam, cũng như thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư mới.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường nội địa tiếp tục biến động và chuỗi cung ứng quốc tế vẫn chưa được kết nối liền mạch như trước.
Việc hạn chế về tuyến đi lại quốc tế là yếu tố chính hạn chế hoạt động hiện nay của doanh nghiệp, kéo theo đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí. Điển hình, có 56% thành viên AmCham Việt Nam tham gia khảo sát đã gặp phải tình trạng thiếu lao động.
Theo AmCham Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là hiện nay trường học tạm đóng cửa và cha mẹ phải khó khăn với việc quản lý công việc song song với việc học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên...
Bên cạnh đó là việc người lao động trở về quê nhà, việc này càng gây ra tình trạng thiếu lao động tại doanh nghiệp.
Có 80% thành viên AmCham Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng các công ty nên có lịch làm việc linh hoạt hơn và đây là yếu tố quan trọng mà các công ty cần thực hiện để thu hút và giữ chân người lao động.
Các thành viên AmCham Việt Nam được khảo sát đề nghị Việt Nam cần đảm bảo tiếp cận vaccine để đưa người lao động trở lại. 61% thành viên được khảo sát khuyến nghị tinh giản các thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài...
Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu được gần 80% thành viên AmCham Việt Nam trả lời khảo sát nêu ra là sự không nhất quán của các chính sách giữa các tỉnh đối với F0, F1.
Hơn 90% doanh nghiệp báo cáo rằng lực lượng lao động của họ đã được tiêm chủng khoảng 80% hoặc nhiều hơn.
Có 92% thành viên AmCham Việt Nam trả lời khảo sát đặt ra là "các chính sách nhất quán trên toàn quốc để cho phép "Chung sống an toàn với virut" so với chính sách "0- Covid".
Có 80% số thành viên AmCham Việt Nam trả lời rằng các yếu tố chính của lộ trình tăng trưởng bền vững bao gồm cải cách hành chính nhằm hợp lý hóa các quy định và thúc đẩy tính minh bạch, sau đó là đầu tư vào năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông để tăng trưởng bền vững và tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo một lực lượng lao động mang tính cạnh tranh toàn cầu.
Cac thành viên AmCham Việt Nam đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu về tỉ lệ tái mở cửa và phục hồi ở mức 3,6 trên thang điểm 5. Tiếp theo là Hà Nội với mức 3,5, Hải Phòng và Bắc Ninh đứng thứ ba với mức 3,4.