Tăng bội chi ngân sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Hoàng Anh | 15:13 04/01/2022

Ngày 4/1/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng bội chi ngân sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình Báo cáo tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Thực hiện 5 nhóm giải pháp

Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Báo cáo nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu mà Chương trình đặt ra cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023:

Thứ nhất, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng);

Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng);

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng);

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng);

Thứ năm, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước.

Chấp nhận tăng bội chi để tạo nguồn thu

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể là việc tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.

Trong đó năm 2022 khoảng 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước lên 5,08% GDP. Con số này là tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua.

Đề nghị Quốc hội xem xét nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%. Tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.

Chấp thuận việc ngân sách Nhà nước có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước hàng năm hoặc các nguồn khác. Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Giao Chính phủ xây dựng phương án phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước và phương án bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đủ thủ tục theo quy định.

Đề nghị tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi ngân sách Nhà nước tương ứng (đã tính trong tổng số kiến nghị tăng bội chi 240 nghìn tỷ đồng).

Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho vay ưu đãi trong 2 năm 2022-2023.

Cho phép bố trí ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2021-2023.

Làm rõ cơ chế báo cáo, giám sát, đánh giá

Thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các quan điểm nêu tại Tờ trình, tuy nhiên đề nghị Chính phủ xác định rõ và bổ sung một số nội dung: Việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách Nhà nước để chi đầu tư phát triển; Nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 02 năm triển khai Chương trình (2022-2023); Quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác…

Ủy ban Kinh tế còn đề nghị bổ sung, làm rõ các nguyên tắc khi triển khai Chương trình và cơ chế báo cáo, giám sát, đánh giá, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền và đạt được các mục tiêu đề ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tăng bội chi ngân sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO