Như MarketTimes đưa tin, việc hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh được giới phân tích cho rằng đây là động thái chưa từng có.
Nếu không giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân cùng các chủ thể liên quan như đại lý phát hành, công ty tư vấn phát hành, sẽ trở thành một điểm nóng phức tạp trên thị trường tài chính.
Nếu không trả được nợ phải xử lý tài sản đảm bảo
Trao đổi xung quanh trường hợp này, Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu đơn vị phát hành không có khả năng thanh toán, đơn vị bảo lãnh thanh toán (ở đây là Tập đoàn Tân Hoàng Minh) sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư.
Trong trường hợp Tân Hoàng Minh không có khả năng thanh toán thì sẽ thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi.
"Theo quan điểm cá nhân tôi, trước khi ban hành quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh, các bên có liên quan đã phải xem xét rất cận thận và buộc Tân Hoàng Minh phải cam kết, không chỉ cam kết với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà cam kết với các cơ quan an ninh, sẽ phải thanh toán đầy đủ tiền cho nhà đầu tư. Tân Hoàng Minh cũng đã tuyên bố như vậy”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Cam kết này không phải vu vơ mà là cam kết "dao kề cổ", phải có sự giám sát của chính quyền. Hơn nữa, mục tiêu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là bảo vệ bằng được nhà đầu tư, bảo vệ bằng được thị trường trái phiếu. “Tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể yên tâm", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI - Trọng tài viên VIAC cho biết, thông thường, trong trường hợp doanh nghiệp đủ năng lực tài chính để trả nợ thì trái chủ sẽ không phải chịu rủi ro, trường hợp không trả được nợ thì xử lý tài sản bảo đảm (nếu có). Không có tài sản bảo đảm thì trái chủ đi kiện, đi đòi.
“Nếu đòi tay vo không được thì sẽ ra tòa, còn nếu trong hợp đồng mua bán trái phiếu đề cập có tranh chấp phải ra trọng tài thì ra trọng tài. Nếu doanh nghiệp không có tiền, trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo thì nhà đầu tư “mất trắng”. Nếu có đơn vị bảo lãnh thanh toán, như trong trường này là Tân Hoàng Minh, phải chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law firm cho biết, các hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ đều phải thực hiện theo các quy định của pháp luật. Trường hợp các doanh nghiệp có hành vi vi phạm các quy định về chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Liên quan đến các sai phạm của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong việc chào bán trái phiếu, luật sư Mai Thảo cho rằng, hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ bị phạt tiền từ 400 triệu đến 500 triệu đồng (Khoản 6 Điều 8 Nghị định 156/2020).
Ngoài ra, các công ty này còn bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong trường hợp đã chào bán, phát hành chứng khoán.
Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp chào bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu.
Có thể xử lý hình sự
Theo ý kiến các chuyên gia, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định các công ty thuộc Tân Hoàng Minh có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trong trường hợp điều tra, xác minh lãnh đạo các doanh nghiệp này chỉ đạo công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin sẽ bị xử lý theo Luật Hình sự.
Điều 209 - Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán:
1. Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.