Theo Bộ Luật Dân sự, việc vay mượn giữa các cá nhân, tổ chức với nhau là việc hình thành quan hệ hợp đồng vay tài sản và bản chất của việc giao kết hợp đồng là sự thỏa thuận.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại điều 468 Bộ Luật dân sự thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Thời gian gần đây, chứng kiến diễn biến tăng lãi suất cho vay của các Ngân hàng có lẽ sẽ khiến người ta nhớ đến giai đoạn cuối năm 2011. Thời điểm đó, thị trường tài chính từng chứng kiến lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại đối với lĩnh vực phi sản xuất kinh doanh lên tới 20 - 25%/năm.
Trong giai đoạn bình thường, một số khoản vay tín chấp, thẻ tín dụng,... của các ngân hàng cũng phổ biến lãi suất trên 20%/năm.
Với các công ty tài chính, lãi suất cho vay thông thường ở vào mức 40% - 45% và có thể cao hơn nếu chi phí vốn "đắt đỏ"" hơn.
Vậy, câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Tại sao Ngân hàng hay các công ty tài chính được phép cho vay với lãi suất trên 20%/năm?
Để giải đáp vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Vũ Đức Diệm - Trưởng nhóm tranh tụng Công ty Luật TNHH ATIM.
Theo Luật sư Diệm để hiểu rõ trước hết cần quay trở lại quy định về lãi suất trần 20% trong Bộ luật Dân sự.
Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: " […] Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, UBTV Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".
Như vậy, lãi suất giới hạn trong hợp đồng vay dân sự là không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, cũng theo quy định nêu trên, nếu "trường hợp luật khác có liên quan quy định khác" thì lãi suất cho vay sẽ thực hiện theo quy định đó.
Theo hướng dẫn tại Điều 2 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, ngân hàng và các tổ chức tín dụng là những đối tượng đặc biệt chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành là Luật các tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tài chính theo điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 xác định là một loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.
Theo đó, các công ty tài chính được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó công ty tài chính được phép cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của pháp luật.
Hay nói cách khác, cả ngân hàng và công ty tài chính đều được gọi chung là "Tổ chức tín dụng" và chịu sự điều chỉnh quy định về lãi suất cho vay theo Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cụ thể:
Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng, Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và khoản 1, Điều 13, Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về mức lãi suất như sau:
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa đối với các mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn được quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đối với các công ty tài chính, đối với hình thức cho vay tiêu dùng, Điều 9, Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12, Điều 1, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 điều chỉnh như sau:
- Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và
- Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng.
Như vậy, có thể thấy, lãi suất cho vay tiêu dùng do công ty tài chính tự điều chỉnh dù phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua và cho phép áp dụng nhưng các quy định pháp luật tại thời điểm hiện tại không quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa của hình thức cho vay tiêu dùng qua các công ty tài chính.
Hoạt động cho vay của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng như các công ty tài chính không chỉ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự mà còn được điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, việc các Tổ chức tín dụng, Công ty tài chính cho vay trên mức lãi suất tối đa Bộ luật Dân sự quy định là 20%/năm không được coi là vi phạm pháp luật.