PGBank lộ diện 16 cổ đông và người liên quan đang nắm trên 97% vốn điều lệ, rõ nét "bóng dáng" TC Group
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa công bố thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của PGBank và người có liên quan.
Trong danh sách, PGBank có 16 cổ đông, gồm tổ chức và cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, 3 cổ đông pháp nhân lớn nhất, lần lượt là:
CTCP Quốc tế Cường Phát, nắm giữ hơn 56,873 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 13,541% vốn điều lệ của ngân hàng; CTCP Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu hơn 56,110 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 13,36% và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, sở hữu hơn 55,014 triệu cổ phiếu, chiếm 13,099%.
Ngoài 3 cổ đông tổ chức lớn nói trên, các cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ PGBank gồm:
Nguyễn Thu Hà (4,944%), Đỗ Thị Nụ (4,934%), Lê Quang Huy (4,917%), Trịnh Bình Long (4,884%), Bùi Việt Bảo (4,867%), Bùi Chính Hữu (4,861%), Trịnh Quang Nghĩa (4,854%), Trần Thị Thu Ngà (4,792%), Văn Lê Hằng (4,777%), Nguyễn Thị Thuỷ (4,637%), Tạ Văn Mạnh (4,536%), Vũ Thị An Ninh (3,388%), và Đinh Thành Nghiệp (1,025%).
Bên cạnh đó, người liên quan của hai cổ đông CTCP Quốc tế Cường Phát và cổ đông Đinh Thành Nghiệp cũng đang sở hữu lần lượt 0,005% và 0,036% vốn điều lệ tại PGBank.
Tính chung, 16 cổ đông và người liên quan nói trên đang sở hữu tới 97,457% vốn điều lệ của PGBank. Trong đó, 3 cổ đông tổ chức là các công ty: Gia Linh, Cường Phát và Vũ Anh Đức đang nắm giữ tới 40% vốn điều lệ của ngân hàng.
3 pháp nhân nói trên chính thức trở thành cổ đông lớn của PGBank từ tháng 8/2023 sau khi mua vào 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% cổ phần, từ Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex.
Xem thêm tại đây
ACB được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm AA+, "nhóm Âu Lạc" vừa chi khoảng 4.000 tỷ đồng "gom hàng"
FiinRatings xếp hạng tín nhiệm ngân hàng ACB là "AA+" với triển vọng "Ổn định", trước đó, nhóm cổ đông liên quan đến Công ty Âu Lạc của nữ doanh nhân Ngô Thu Thúy đã chi khoảng 4.000 để nắm vốn của ACB.
Theo đó, FiinRatings cho biết, xếp hạng dựa trên nhiều tiêu chí, bảo đảm tính minh bạch và độc lập trong các bước đánh giá. ACB đạt điểm cao nhờ vào các yếu tố được đánh giá từ mức "Phù hợp" đến "Rất tốt".
Ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nguồn vốn ổn định, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và ổn định thanh khoản.
Theo danh sách ACB vừa công bố, nhóm cổ đông liên quan đến Công ty Âu Lạc của nữ doanh nhân Ngô Thu Thúy sở hữu hơn 166,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,7% cổ phần tại ngân hàng này.
Xem thêm tại đây
3 ngân hàng trả lãi tiết kiệm từ 8%/năm
Theo khảo sát, đến thời điểm hiện tại, HDBank vẫn giữ mức lãi suất tiết kiệm 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
PVcombank cũng là ngân hàng giữ mức lãi suất cao trên thị trường khi trả lãi 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng MSB hiện vẫn giữ mức lãi suất tiết kiệm 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Xem thêm tại đây
Tại sao ngân hàng "đua" phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
Trong tháng 8, khối ngân hàng tiếp tục là tổ chức phát hành trái phiếu chiếm ưu thế lên tới 90%. Các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng , nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay dần phục hồi, khách hàng có xu hướng vay vốn kỳ hạn dài. Do đó, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định.
Theo thống kê của VIS Rating, trong tháng 08/2024, lượng phát hành trái phiếu mới tăng lên 57,7 nghìn tỷ đồng, từ mức 46.8 nghìn tỷ đồng trong tháng 07/2024. Các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 51,3 nghìn tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới lên tới 90%.
Xem thêm tại đây
Nợ xấu ngân hàng: Chưa bớt lo lại... thêm áp lực
Kết thúc quý II/2024, bức tranh tài chính của ngành ngân hàng vẫn u ám bởi áp lực từ khoản nợ xấu. Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank) tiếp tục tăng so với quý I/2024 và cuối năm 2023.
Theo đó, sau 6 tháng đầu năm, số dư nợ xấu của 29 ngân hàng trong thống kê đã tăng từ 224.741 tỷ đồng lên tới 271.461 tỷ đồng, tương đương hơn 46.720 tỷ đồng, khoảng 20,8% so với cuối năm 2024. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý I/2024 của 28 ngân hàng (không bao gồm Agribank), nợ xấu đã tăng thêm 14,4% so với cuối năm ngoái.
Dù các ngân hàng đang tiếp tục duy trì và thậm chí cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy sự chuẩn bị tốt cho rủi ro có thể xảy ra. Song, thực tế, vấn đề nợ xấu gia tăng vẫn tạo ra áp lực lớn trong bài toán lợi nhuận của các nhà băng.
Trước áp lực nợ xấu gia tăng, kể từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng phải ồ ạt rao bán khoản nợ vay và tài sản thế chấp khoản nợ vay. Nhưng bài toán thanh khoản các khoản nợ hay thậm chí các bất động sản ở vị trí đắc địa cũng không hề dễ dàng. Không ít khoản nợ được rao bán tới hơn chục lần mà vẫn ế ẩm, dù ngân hàng hạ giá đến hàng chục tỷ đồng.
Xem thêm tại đây
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 16/9 đã giảm về còn 3,28%/năm, từ mức 3,47% trong phiên giao dịch cuối tuần trước. So với mức ghi nhận hồi đầu tháng 9, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm khoảng 1,2 điểm % và là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất hầu hết kỳ hạn chủ chốt khác đều giảm mạnh so với hồi đầu tháng 9 như: kỳ hạn 1 tuần giảm về còn 3,48 %, kỳ hạn 2 tuần giảm về còn 3,36%; kỳ hạn 1 tháng giảm về còn 4,04 %.
Ngoài sự lao dốc của lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống cũng phát tín hiệu dồi dào hơn khi các ngân hàng không còn mặn mà với kênh cho vay của NHNN trong những phiên giao dịch gần đây.
Xem thêm tại đây