ACB được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm AA+, "nhóm Âu Lạc" vừa chi khoảng 4.000 tỷ đồng "gom hàng"

Lê Sáng | 12:14 20/09/2024

FiinRatings xếp hạng tín nhiệm ngân hàng ACB là "AA+" với triển vọng "Ổn định", trước đó, nhóm cổ đông liên quan đến Công ty Âu Lạc của nữ doanh nhân Ngô Thu Thúy đã chi khoảng 4.000 để nắm vốn của ACB.

ACB được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm AA+, "nhóm Âu Lạc" vừa chi khoảng 4.000 tỷ đồng "gom hàng"

FiinRatings cho biết, xếp hạng dựa trên nhiều tiêu chí, bảo đảm tính minh bạch và độc lập trong các bước đánh giá. ACB đạt điểm cao nhờ vào các yếu tố được đánh giá từ mức "Phù hợp" đến "Rất tốt".

Ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nguồn vốn ổn định, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và ổn định thanh khoản.

ACB được đánh giá cao với vị thế kinh doanh "Tốt" nhờ mô hình đa dạng, ổn định, đứng trong nhóm các ngân hàng thương mại lớn với thị phần dư nợ cho vay gộp 550.200 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng 511.700 tỷ đồng vào quý II/2024. Cơ cấu vốn đạt mức "Phù hợp", tỷ lệ an toàn vốn đạt 11,8% cùng thời gian trên.

Khả năng sinh lời được đánh giá ở mức "Tốt", chỉ số lợi nhuận như NIM, ROA ở mức vượt trội, các chiến lược cho vay hoạt động hiệu quả. Vị thế rủi ro của ACB đạt mức "Rất tốt" và tăng hai bậc. Nguồn vốn và thanh khoản cũng được đánh giá "Tốt", ngân hàng có khả năng huy động vốn vượt trội, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vốn ngắn hạn và kế hoạch dự phòng thanh khoản.

"Nhóm Âu Lạc" vừa chi khoảng 4.000 tỷ đồng gom vốn ACB

Theo danh sách ACB vừa công bố, nhóm cổ đông liên quan đến Công ty Âu Lạc của nữ doanh nhân Ngô Thu Thúy sở hữu hơn 166,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,7% cổ phần tại ngân hàng này.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) vừa công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Danh sách này được cập nhật sau khi ngân hàng này từng công bố danh sách lần đầu vào cuối tháng 7 năm nay.

Trong danh sách được cập nhật, nhóm cổ đông liên quan đến bà Ngô Thu Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Âu Lạc, ghi nhận sự tái xuất hiện tại ACB.

Trước đó, Công ty Âu Lạc của bà Thúy là cổ đông lâu năm của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) nhưng đã bán hết cổ phiếu EIB để chuyển sang mua hơn 14 triệu cổ phiếu ACB vào năm 2022. Tới quý I năm nay, doanh nghiệp này cũng nhanh chóng bán toàn bộ số cổ phiếu ACB, đưa tỷ lệ sở hữu về 0.

Đến tháng 9 năm nay, danh sách cổ đông mà ACB công bố có sự tái xuất hiện của Công ty Âu Lạc khi nhóm cổ đông sở hữu hơn 166,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,7% cổ phần tại ngân hàng này

Theo đó, một cổ đông tổ chức mới xuất hiện là Công ty Cổ phần Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương nắm gần 58,6 triệu cổ phần ACB, tương ứng 1,3% vốn. Còn người có liên quan đến cổ đông tổ chức này nắm hơn 107,7 triệu cổ phần, tức sở hữu 2,4% vốn ACB.

Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương là doanh nghiệp do bà Ngô Thu Thúy làm Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật.

Hai cổ đông cá nhân khác là bà Nguyễn Thiên Hương Jenny và ông Nguyễn Đức Hiếu Johnny đều nắm trên 1% vốn tại ACB - cùng là con ruột của bà Thúy. Như vậy, toàn bộ nhóm cổ đông Âu Lạc nắm hơn 3,7% vốn điều lệ ACB.

Ước tính theo thị giá mở phiên ngày 17/9 của cổ phiếu ACB tại 24.100 đồng/cổ phiếu, cổ phần nhóm cổ đông này đang sở hữu giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo quản trị của Công ty Âu Lạc, Gia đình bà Ngô Thu Thúy sở hữu hơn 22,6% cổ phần tại Công ty cổ phần Âu Lạc - doanh nghiệp có tiếng tại TPHCM, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải xăng dầu và hàng hóa đường biển nội địa và quốc tế.

Tính đến cuối tháng 6, Công ty Âu Lạc có quy mô tổng tài sản lên gần 2.550 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Âu Lạc có doanh thu 800 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, còn lãi sau thuế 172 tỷ đồng, tăng gần 90%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
ACB được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm AA+, "nhóm Âu Lạc" vừa chi khoảng 4.000 tỷ đồng "gom hàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO