Khởi tố 4 nhân viên Vietcombank vì gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng
Ngày 12/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết vừa tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Tấn Triều (50 tuổi), Liệt Lâm (52 tuổi), Quách Bảo Nguyên (46 tuổi) và Võ Đan Vân (43 tuổi), cùng ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang để điều tra liên quan vụ án gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng.
Các bị can nói trên là cựu trưởng, phó và nhân viên phòng khách hàng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh An Giang, bị khởi tố cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010 đến năm 2014, nhóm đối tượng này đã không kiểm tra, không thu thập đầy đủ chứng từ sử dụng vốn vay của Công ty CP Việt An, Công ty CP xuất nhập khẩu Bình Minh và Công ty TNHH Minh Giàu mà ký vào các thông báo tác nghiệp đủ điều kiện rút vốn để ngân hàng giải ngân cho ba công ty trên, dẫn đến thiệt hại tài sản cho ngân hàng với tổng số tiền trên 600 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Công an tỉnh An Giang, hành vi phạm tội của Võ Đan Vân gây thiệt hại cho Vietcombank số tiền trên 272 tỷ đồng, Nguyễn Tấn Triều gây thiệt hại trên 48 tỷ đồng, Liệt Lâm gây thiệt hại trên 181 tỷ đồng và Quách Bảo Nguyên gây thiệt hại trên 60 tỷ đồng.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can thuộc ba công ty trên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị can gồm Lưu Bách Thảo và Ngô Văn Thu (Tổng giám đốc Công ty CP Việt An), Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Minh), Trương Minh Giàu (Giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu), Nguyễn Viết Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang) và Lưu Bá Phúc (Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc) và các bị can khác là kết toán các công ty.
Từ năm 2010 - 2014, Công ty CP Việt An, Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Minh, Công ty TNHH Minh Giàu đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng vay vốn theo hạn mức tại Vietcombank chi nhánh An Giang.
Theo Công an tỉnh An Giang, để được phát vay theo điều kiện của hợp đồng tín dụng, Thảo và Thu đã chỉ đạo lập nhiều hồ sơ chứng từ khống để sử dụng làm chứng từ rút vốn vay tại ngân hàng.
Tính đến ngày 21/12/2020, Vietcombank chi nhánh An Giang thiệt hại số tiền vốn gốc là hơn 600 tỷ đồng.
Lãi suất tiền gửi tiếp đà tăng
Theo thống kê, lãi suất tiền gửi tiếp đà tăng, xuất hiện ngân hàng trả lãi tiền gửi 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Cụ thể, tính đến ngày 13/7 đã có 10 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động kể từ đầu tháng 7, gồm NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank và KienLong Bank.
Tại kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng ABBank dẫn đầu niêm yết lãi suất tiền gửi ở mức 6%/năm. Theo sau là ngân hàng BVBank 5,8%/năm, GPBank 5,75%/năm, NCB 5,7%/năm.
Trong khi, 3 ngân hàng quốc doanh là Vietinbank, BIDV, Agribank niêm yết lãi suất tiền gửi 4,7%/năm, thì ngân hàng Vietcombank niêm yết lãi suất tiền gửi 4,6%/năm.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng SCB niêm yết lãi suất tiền gửi thấp nhất thị trường cho kỳ hạn 12 ở mức 3,7%/năm. Theo sau là ngân hàng DongABank ở mức 4,5%/năm. Tiếp đó là nhóm ngân hàng quốc doanh kể trên và ngân hàng ACB cùng ở mức 4,7%/năm.
Tại kỳ hạn dài 18, 24 và 36 tháng, đã có 2 ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất hệ thống ở mức 6,1%/năm là NCB, OCeanBank. Trong khi, HDBank niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng ở mức 6,1%, các kỳ hạn 24 và 36 tháng là 5,5%/năm.
Theo sau là ngân hàng BVBank, các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng niêm yết lãi suất tiền gửi ở mức 6%/năm.
Ngân hàng SCB tiếp tục là nhà băng niêm yết lãi suất tiền tiền gửi thấp nhất tại các kỳ hạn trên, ở mức 3,9%/năm. Theo sau là các ngân hàng quốc doanh, Vietcombank là 4,6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, kỳ hạn 24 và 36 tháng là 4,7%. Vietinbank, BIDV, Agribank đều niêm yết 3 kỳ hạn kể trên với mức lãi suất tiền gửi là 4,7%/năm.
PGBank bị phạt hành chính gần 160 triệu đồng vì lỗi “ém” thông tin
Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) với tổng số tiền là 157,5 triệu đồng.
Theo đó, PGBank bị phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn các tài liệu gồm Nghị quyết số 125/2023/NQ-HĐQT ngày 20/10/2023 về việc thay đổi nhân sự, Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐQT ngày 25/5/2023 về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật; Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022, về việc hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn; Nghị quyết số 01A/2023/NQ-HĐQT ngày 01/01/2023 vể việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan; Nghị quyết số 01A/2022/NQ-HĐQT ngày 01/01/2022 về việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan.
Phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo thuyết minh Báo cáo tài chính năm 2022 và năm 2023 đã được kiểm toán; Ngân hàng phát sinh giao dịch với các bên liên quan (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) nhưng tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022, năm 2023; Ngân hàng đã CBTT không đầy đủ về giao dịch với đối tượng nêu trên theo quy định.
PGBank cũng bị phạt 27,5 triệu đồng do Công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên (Ngân hàng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và năm 2023).
UBCKNN xử phạt 3 thành viên HĐQT Fedico
Theo các quyết định, UBCKNN xử phạt ông Hồ Anh Tuấn, bà Lê Ngân Nhi và ông Lê Thái Thành đều là thành viên HĐQT CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (Fideco, HoSE: FDC) vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Trong đó, ông Hồ Anh Tuấn bị phạt hành chính 370 triệu đồng, bà Lê Ngân Nhi bị phát 270 triệu đồng, cùng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 04 tháng theo quy định. Riêng ông Lê Thái Thành bị phạt hành chính 100 triệu đồng.
Chi tiết xem tại đây
Hai thái cực của một công ty tăng lương 52% cho Ban điều hành nhưng vẫn gánh nợ 'khủng'
Sau 6 tháng đầu năm 2024, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đã vượt kế hoạch lợi nhuận ròng 2024 khi đạt con số 452 tỷ đồng dù "gánh" khoản nợ "khủng".
Theo đó, CII vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu giảm 14,3% so với cùng kỳ còn 744,7 tỷ đồng. Sau khi giảm trừ doanh thu, CII có doanh thu thuần ở mức 699,2 tỷ đồng.
Kết quả, CII có lợi nhuận sau thuế tăng 55,7% so với cùng kỳ năm 2023 lên mức 129,3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, CII đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.577 tỷ đồng và lãi sau thuế 452 tỷ đồng, giảm nhẹ ở chỉ tiêu doanh thu nhưng kết quả lợi nhuận ròng lại tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy, với mục tiêu năm 2024 đạt tổng doanh thu 4.194 tỷ đồng và lãi ròng sau thuế là 430 tỷ đồng, CII đã hoàn thành 37% chỉ tiêu doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận ròng.
Một điểm đáng chú ý khác là, nhờ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, tiền lương, thưởng, phụ cấp và các khoản thu nhập khác của Ban điều hành CII cũng được cải thiện, tăng 52% đối với tiền lương và 35% với tiền thưởng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng lương và thưởng 6 tháng đầu năm của Ban điều hành ở mức 10,4 tỷ đồng.
Xem chi tiết tại đây