Theo Ủy ban Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc (1987), “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai” và “Để thực hiện sự phát triển lâu bền, bảo vệ môi trường nhất thiết sẽ là một bộ phận cấu thành của quá trình phát triển và không thể xem xét tách rời quá trình đó”.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, vấn đề môi trường cần phải quan tâm cùng với vấn đề kinh tế và xã hội.
Do đó, phát triển bền vững đang là mục tiêu chiến lược quan trọng mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững thì tài chính là một trong những vấn đề quan trọng quyết định sự thành công của chiến lược này.
Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội với bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, đặc biệt vấn đề về nguồn lực tài chính trong nước và khả năng huy động bên ngoài nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững còn nhiều hạn chế.
Việc đánh giá thực trạng chính sách tài chính (tài chính công, thị trường tài chính, tài chính doanh nghiệp,…) và năng lực tài chính của các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam nhằm chỉ ra những thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ đó đề xuất quan điểm, định hướng và các biện pháp, chính sách tài chính phù hợp, tạo động lực cho phát triển bền vững cho Việt Nam.
Ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030, xác định Việt Nam cần xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ cũng như được các nhà nghiên cứu trong nước quan tâm.
Nhằm tạo diễn đàn khoa học cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý giao lưu và trao đổi quan điểm. Trường Đại học Tài chính – Marketing phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính – Bộ Tài chính, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Trường Kinh tế - Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “ Tài chính cho phát triển bền vững”. Mục tiêu của hội thảo là trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, trình bày các luận cứ khoa học, bằng chứng thực nghiệm, đề xuất các khuyễn nghị nhằm hoàn thiện chính sách tài chính thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài viết từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Các bài viết được phản biện độc lập và ban Tổ chức đã lựa chọn ra 51 bài đăng Kỷ yếu có nội dung nghiên cứu liên quan đến chính sách cho phát triển bền vững. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Tài chính – Marketing ngày 22/9/2023.