Sữa Quốc tế Lof hậu đổi tên, đổi CEO: Lợi nhuận bất ngờ sụt 70% về mức thấp kỷ lục 6 năm, đã rót gần 1.400 tỷ cho nhà máy tại Bàu Bàng

Tri Túc | 13:41 12/02/2025

Quý 4/2024, lãi ròng IDP chỉ còn hơn 64 tỷ - giảm mạnh hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu lãi theo quý Công ty rớt mốc trăm tỷ, thấp kỷ lục kể từ năm 2020.

Sữa Quốc tế Lof hậu đổi tên, đổi CEO: Lợi nhuận bất ngờ sụt 70% về mức thấp kỷ lục 6 năm, đã rót gần 1.400 tỷ cho nhà máy tại Bàu Bàng

BCTC hợp nhất quý 4/2024 của CTCP Sữa Quốc tế Lof (mã chứng khoán IDP) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2.096 tỷ - tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty xấp xỉ 884 tỷ - tăng 22%.

Trong kỳ, các chi phí ghi nhận tăng đáng kể. Trong đó chi phí tài chính tăng tới 125%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 210% lên gần 86,5 tỷ. Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng tăng 63%.

Kết quả, lãi ròng IDP chỉ còn hơn 64 tỷ - giảm mạnh hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu lãi theo quý của Công ty rớt khỏi mốc trăm tỷ, thấp kỷ lục kể từ năm 2020.

Lũy kế cả năm 2024, Công ty đạt doanh thu thuần gần 7.658 tỷ - tăng 15,1% so với năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lại giảm 5,3% đạt hơn 875 tỷ đồng.

screen-shot-2025-02-12-at-12.55.14.png

Loạt thay đổi lớn trong năm 2024: Đổi CEO, đổi tên và trụ sở

2024 là năm có nhiều thay đổi đáng chú ý tại IDP. Vào tháng 2/2024, IDP công bố nghị quyết HĐQT, theo đó ông Bùi Hoàng Sang được bổ nhiệm làm CEO của Công ty. Ông Sang lúc bấy giờ là cố vấn Chiến lược cho Tổng giám đốc Công ty IDP từ giữa năm 2023. Trước đó, ông Sang từng tạo nên tên tuổi của Kotex tại Việt Nam, làm cố vấn cho NutiFood…

Bà Đặng Phạm Minh Loan, CEO đương nhiệm của Công ty cho biết: "Ở giai đoạn phát triển mới, Công ty cần tìm kiếm một CEO chuyên nghiệp. Ông Bùi Hoàng Sang đã có thời gian làm việc với Công ty và chứng tỏ năng lực tốt trong việc tư vấn và thực thi chiến lược của Công ty". Dù không còn giữ vị trí CEO, bà Loan vẫn sẽ tiếp tục vai trò Thành viên HĐQT và hỗ trợ Công ty về chiến lược và các nền tảng digital marketing vốn là thế mạnh của Công ty.

unnamed-1706847500887-17068475009631676160097.jpg
Ảnh: Ông Bùi Hoàng Sang (bên trái) chụp cùng bà Đặng Phạm Minh Loan.

Đến tháng 7/2024, IDP quyết định đổi tên thành Sữa Quốc tế LOF. LOF thường được diễn giải là "Lots of love" (Rất nhiều tình yêu). Sau khi đổi tên, trụ sở chính của Công ty đã chuyển từ huyện Ba Vì, Hà Nội đến khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Nhà máy Bàu Bàng sẽ chính thức vận hành đầu năm 2025, với quy mô và công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm.

Ngoài nhà máy Bàu Bàng, công ty cũng đang sở hữu hai nhà máy ở Ba Vì và ở Củ Chi với tổng công suất cũng lên đến 300.000 tấn sản phẩm/năm góp phần tăng khối lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường lên đến gần 1 triệu tấn/năm vào năm 2025.

Tổng nợ tăng 78%, nợ vay chiếm hơn nửa tài sản 

Trước khi sụt giảm lợi nhuận trong quý cuối năm, quý 3/2024 IDP đạt lãi kỷ lục với gần 300 tỷ đồng. Tháng 12 năm ngoái, IDP công bố chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 5.000 đồng. Thời gian thanh toán vào 20/1/2025.

Với hơn 61,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, IDP dự kiến chi khoảng 310 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của IDP tăng 39% lên gần 7.297 tỷ.

Trong đó, so với đầu năm, khoản phải thu ngắn hạn đã tăng mạnh 116% lên 1.460 tỷ, chủ yếu do phải thu về cho vay ngắn hạn đột biến từ 300 tỷ lên 850 tỷ đồng. BCTC soát xét quý 2/2024 cho biết, đây là khoản cho vay đối với CTCP BĐS Phúc Đạt và CTCP Đầu tư LTM.

lof.png

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của LOF cũng tăng mạnh từ 596 tỷ hồi đầu năm lên 1.347 tỷ đồng. Đây chủ yếu là chi phí xây dựng nhà máy Sữa quốc tế Bình Dương (tại Bàu Bàng) có tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng.

Trong kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, nhà máy mới của Công ty là Bàu Bàng sẽ chính thức vận hành vào đầu năm 2025, với quy mô và công suất lớn lên đến 300.000 tấn sản phẩm/năm.

Tương ứng, tổng nợ phải trả của Công ty tăng mạnh 78% so với đầu năm, đạt 3.874 tỷ. Tổng nợ vay và nợ thuê tài chính gần 2.114 tỷ - chiếm 54,6% tổng tài sản của Công ty.

Hồi cuối tháng 8/2024, LOF thông qua kế hoạch vay 700 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bến Nghé (BIDV), 600 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Phú Nhuận (Vietcombank), và 800 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM (VietinBank). Tổng hạn mức vay đạt 2.100 tỷ đồng, được sử dụng để bổ sung vốn lưu động, phát hành thư tín dụng (LC) và bảo lãnh phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm sữa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sữa Quốc tế Lof hậu đổi tên, đổi CEO: Lợi nhuận bất ngờ sụt 70% về mức thấp kỷ lục 6 năm, đã rót gần 1.400 tỷ cho nhà máy tại Bàu Bàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO