Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai công bố, năm 2022 doanh nghiệp tiêu thụ 292.847 con heo thịt và 281.275 tấn cây ăn trái, trong đó 57% sản lượng chuối dành cho xuất khẩu và 53% còn lại được dùng để sản xuất thức ăn gia súc.
Nhìn vào kết quả kinh doanh chung của HAGL năm 2022, con số lợi nhuận trước thuế 1.181 tỷ đồng, tăng gấp 8,3 lần so với năm 2021 và vượt 5% so với kế hoạch là một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thương hiệu heo ăn chuối BAPI xuất hiện dày đặc trên truyền thông cũng giúp bầu Đức và HAGL có được sản phẩm "signature" sau hơn 10 năm bôn ba làm nông nghiệp, chuyển đổi từ cao su, chuối, chanh leo, cọ dầu, cho đến chăn nuôi bò, heo...
Chia sẻ tại lễ ra mắt thương hiệu Bapi - Heo ăn chuối HAGL ở TP HCM, ông Đoàn Nguyên Đức nói: "Mãi đến năm 2020, khi tìm được 2 trụ cột chính trong nông nghiệp là trồng chuối, nuôi heo, Hoàng Anh Gia Lai mới bắt đầu có lãi trở lại" và tuyên bố "Hoàng Anh Gia Lai đã thoát cửa tử".
Tuy nhiên, có phải heo và chuối là "cứu tinh" thực sự giúp HAGL "vượt cửa tử"? Hãy cùng nhìn vào số liệu thực tế trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp này.
Theo số liệu chi tiết trong BCTC quý 4/2022 mới công bố thì trên thực tế những chú heo ăn chuối BAPI mới chỉ đóng góp 33% doanh thu và 35% lợi nhuận gộp trong bức tranh kinh doanh chung của HAGL.
Cụ thể, trong tổng doanh thu HAGL năm 2022 là 5.081 tỷ đồng, heo đóng góp 1.669 tỷ đồng, trái cây đóng góp 2.150 tỷ đồng doanh thu với biên lợi nhuận gộp lần lượt là 24% và 32%. Có thể thấy, trái cây không chỉ mang lại doanh thu lớn hơn mà còn đóng góp lợi nhuận nhiều hơn heo ăn chuối.
Bên cạnh đó, doanh thu bán heo mặc dù có sự tăng trưởng tới 199% so với năm 2021 nhưng biên lợi nhuận gộp năm 2022 lại giảm từ 35% xuống còn 24%, tương ứng mất 11 điểm %.
Nhìn rộng hơn bức tranh kinh doanh của HAGL năm 2022, tổng lợi nhuận gộp hai mảng kinh doanh chính (chiếm 75% doanh thu) là heo và trái cây đạt 1.082 tỷ đồng, chỉ vừa đủ bù đắp chi phí lãi vay (777 tỷ đồng) và chi phí bán hàng (252 tỷ đồng) trong kỳ.
Ở một diễn biến khác, việc hoàn nhập chi phí dự phòng trong chi phí quản lý doanh nghiệp lại khiến lợi nhuận của HAGL đảo chiều tăng. Con số này năm 2022 được hạch toán là 1.561 tỷ đồng.
Trừ đi khoản trích lập dự phòng chi phí tài chính hơn 600 tỷ đồng thì tổng hoàn nhập dự phòng trong năm 2022 của HAGL là 956 tỷ đồng và đây mới là đóng góp chính trong tổng lợi nhuận của HAGL năm vừa qua.
Câu chuyện này với HAGL không hề mới, khi trong năm 2021 trước đó, tổng hoàn nhập dự phòng cũng lên tới 885 tỷ đồng.
Một điểm quan trọng cần lưu ý trong BCTC của HAGL đó là những khoản chi ra đầu tư cho chăn nuôi và trồng trọt chưa được hạch toán vào chi phí trong kỳ mà đang treo trên khoản mục chi phí xây dựng dở dang.
Đến cuối 2022, số dư khoản mục chi phí xây dựng dở dang đạt 4.646 tỷ đồng, trong đó chi phí phát triển vườn cây ăn quả là 2.959 tỷ đồng (tăng 593 tỷ đồng so với đầu năm), dự án chăn nuôi là 1.616 tỷ đồng (tăng 678 tỷ đồng so với đầu năm).
Theo diễn giải, chi phí xây dựng cơ bản dở dang bao gồm các chi phí lũy kế liên quan trực tiếp đến việc xây dựng và phát triển các tòa nhà, vườn cây của tập đoàn mà các dự án này chưa được hoàn thành vào ngày kết thúc năm.
Về mặt lý thuyết, khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp sẽ phải đưa chi phí xây dựng dở dang kết chuyển sang TSCĐ và tính khấu hao, từ đó làm tăng chi phí doanh nghiệp trong kỳ. Theo ước tính, giả sử những TS này được khấu hao trung bình 10 năm thì chi phí khấu hao mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 457 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài câu chuyện lợi nhuận, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của heo và trái cây đối với hoạt động kinh doanh của HAGL năm vừa qua, bằng việc tạo ra dòng tiền trong kỳ.