Sự thật chấn động về các gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine: Gần như tất cả khoản tiền đều được giải ngân ngay tại nước Mỹ

Tất Đạt | 07:56 02/12/2023

Theo tiết lộ mới đây của Washington Post, có một bí mật luôn được giữ kín về viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, đó là: phần lớn số tiền viện trợ được giải ngân tại Mỹ.

Sự thật chấn động về các gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine: Gần như tất cả khoản tiền đều được giải ngân ngay tại nước Mỹ

Các khoản tiền đi về đâu?

Tác giả của Washington Post cho hay, các quỹ - mà các nhà lập pháp phê duyệt để trang bị vũ khí cho Ukraine - sẽ không gửi tiền trực tiếp đến Ukraine mà được sử dụng ở các bang của Mỹ để chế tạo vũ khí mới hoặc thay thế những vũ khí được gửi đến Kiev từ kho dự trữ của Mỹ.

Một phân tích cho thấy trong số 68 tỷ USD hỗ trợ quân sự và các vấn đề liên quan mà Quốc hội Mỹ đã thông qua kể từ sau chiến dịch đặc biệt của Nga, gần 90% là dành cho người Mỹ.

Giữa lúc các đảng lớn của Mỹ đang cạnh tranh để giành phiếu bầu của tầng lớp lao động và củng cố các cơ sở sản xuất tại đất nước, các gói viện trợ quân sự cho Ukraine đã thực sự làm được điều đó: cung cấp một lượng tiền mặt lớn cho các nhà máy trên khắp đất nước, mang lại lợi ích trực tiếp cho người lao động Mỹ. Nó cũng đang tạo ra việc làm và cơ hội cho các nhà cung cấp địa phương, cửa hàng, nhà hàng và các doanh nghiệp khác hỗ trợ các nhà máy sản xuất vũ khí.

Cho đến nay, vẫn chưa có báo cáo chỉ ra chính xác quỹ viện trợ quân sự của Mỹ sẽ đi về đâu. Marc A. Thiessen – tác giả của bài viết trên Washington Post – cùng các đồng nghiệp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ đã lập danh mục các hệ thống vũ khí được sản xuất tại Mỹ để gửi cho Ukraine.

Việc này bao gồm truy tìm các bang và khu vực mà vũ khí được sản xuất cũng như cách các thượng nghị sĩ và thành viên Hạ viện bỏ phiếu cho nguồn tài trợ. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các hợp đồng, thông cáo báo chí và nói chuyện với các chuyên gia ngành công nghiệp quốc phòng, các nhà ngoại giao và quan chức Lầu Năm Góc để xác định xem tiền thuế của Mỹ sẽ đi về đâu.

aa4fba88c274100b697a993263bd8964a78d88f6.jpg

Nhóm đã xác định được 117 dây chuyền sản xuất tại ít nhất 31 tiểu bang và 71 thành phố của Mỹ, nơi công nhân Mỹ sản xuất các hệ thống vũ khí chính cho Ukraine.

Danh sách này không tính các nhà cung cấp bán cho các nhà thầu các bộ phận thiết bị, chẳng hạn như nhựa và chip máy tính, hoặc sản xuất các mặt hàng nhỏ hơn cho Ukraine như thiết bị nhìn ban đêm và quần áo chịu lạnh, vật tư y tế, phụ tùng thay thế và hàng triệu viên đạn cỡ nhỏ.

Tiếp sức cho chính người Mỹ

Tác giả Thiessen nhận định, giống như viện trợ quân sự nước ngoài, viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine không chỉ tạo ra việc làm cho người Mỹ mà được cho là “tiếp thêm sinh lực” cho ngành công nghiệp quốc phòng đang bị suy yếu của Mỹ.

Ví dụ, Mỹ đã không chế tạo một tên lửa phòng không Stinger mới nào kể từ năm 2005. Những nhóm khủng bố mà Mỹ chống lại trong những thập kỷ gần đây không có máy bay chiến đấu phản lực, vì vậy việc sản xuất bị đình trệ.

Giờ đây, nhờ viện trợ tới Ukraine, Lầu Năm Góc đã ký một hợp đồng trị giá 624,6 triệu USD vào năm ngoái để chế tạo tên lửa Stinger ở Tucson, nhằm thay thế khoảng 1.400 chiếc được gửi đến Ukraine. Nếu không tiếp tế cho Ukraine, dây chuyền sản xuất Stinger có thể sẽ không hoạt động.

Cũng theo Washington Post, đạn pháo 155 mm là một trong những ví dụ điển hình nhất của các gói viện trợ. Ukraine đang bắn 6.000 đến 8.000 quả đạn pháo như vậy mỗi ngày và Israel đang đặt hàng với số lượng hàng chục nghìn quả.

Nhưng trước chiến dịch của Nga vào năm ngoái, Mỹ chỉ sản xuất chưa đến 15.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Vì vậy, Lầu Năm Góc đã phân bổ 1,5 tỷ USD để tăng sản lượng lên 500% và đang trên đà đạt 100.000 quả mỗi tháng.

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine không chỉ buộc Lầu Năm Góc phải nhanh chóng tăng cường khả năng sản xuất vũ khí mà còn giúp tăng tốc hiện đại hóa quân đội nước này. Thiếu tướng quân đội đã nghỉ hưu John G. Ferrari cho biết Mỹ đang cung cấp cho Ukraine những hệ thống vũ khí thường đã có tuổi đời hàng chục năm và sau đó thay thế kho dự trữ bằng các phiên bản tiên tiến hơn.

Ông Ferrari viết trong một bài báo: “Do áp lực ngân sách hiện tại đối với Quân đội, quân đội sẽ không thể tự mình trang trải được việc hiện đại hóa thiết bị cần thiết này. Bằng cách chuyển vũ khí và trang bị sang Ukraine, quân đội sẽ nhận được nhiều vũ khí hiện đại hơn.”

Những nỗ lực trang bị vũ khí cho Ukraine đang thúc đẩy đáng kể doanh số bán máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất. Tổng cộng, có ít nhất 13 dây chuyền sản xuất ở 10 tiểu bang và 11 thành phố của Mỹ đang sản xuất vũ khí cho các đồng minh NATO nhằm thay thế thiết bị mà họ đã gửi đến Ukraine.

Chuyên gia Mark Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế kết luận: “Phần lớn số tiền hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine không được chi ở nước ngoài mà được dùng ở ngay nước Mỹ”. Điều này khiến cho việc gọi con số 68 tỷ USD mà Mỹ đã chi để trang bị vũ khí cho Ukraine là “một cách gọi gây hiểu nhầm”.

Vì những lí do trên, tác giả của Washington Post nhận định rằng cách nói chính xác nhất về vấn đề này là: gói viện trợ quân sự dành cho Ukraine đang hồi sinh các doanh nghiệp sản xuất trên khắp nước Mỹ, tạo ra việc làm cho người dân Mỹ và khôi phục năng lực cải tiến vũ khí cho quân đội Mỹ.


(0) Bình luận
Sự thật chấn động về các gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine: Gần như tất cả khoản tiền đều được giải ngân ngay tại nước Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO