Bacte - startup chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật (BVTV) xuất hiện trong tập 9 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 - được ra đời nhằm giải quyết thực trạng lạm dụng thuốc BVTV, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng mà không đem lại hiệu quả cao cho nông nghiệp, dẫn đến chất lượng nông sản đi xuống và gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế.
Đội ngũ sáng lập Bacte bắt tay vào giải quyết “nỗi đau” này từ năm 2012. Đến tháng 10/2020, kỹ sư nông nghiệp Hồ Phúc Nguyên - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Bacte - đã bảo vệ đề tài cấp Nhà nước với Bộ Khoa học Công nghệ về việc sản xuất các chế phẩm sinh học Bacte phòng trừ tuyến trùng và các nấm bệnh cho cây trồng.
“Bacte ra đời giải quyết được 2 nỗi đau của thuốc hóa học và thuốc sinh học. Thứ nhất, đây là sản phẩm đầu tiên trên thị trường phòng trừ được cả sâu và bệnh. Thứ hai là hiệu lực nhanh và mạnh, diệt 98% tuyến trùng sau 90 phút sử dụng và 82- 87% nấm bệnh rễ đất sau 3 giờ sử dụng. Đặc biệt, chi phí chỉ bằng 30 - 40% so với thuốc hóa học trên thị trường, nhờ đó giá bán rẻ hơn 30-40% sản phẩm thông thường”, ông Nguyên trình bày.
Đề nghị phía Bacte đưa ra cho các Shark là đầu tư 10 tỷ đồng đổi lấy 8% cổ phần.
Bacte hiện có 24 sản phẩm, tập trung nhiều cho sầu riêng. Các sản phẩm đã được đăng ký sáng chế, đồng thời được kiểm định không gây kích ứng da khi dính thuốc, không độc hại thông qua thí nghiệm đánh giá độ độc LD50 với Viện Kiểm Nghiệm An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Quốc Gia.
Đối tượng khách hàng của Bacte là các nông trại, đại lý và nhà phân phối. Về giá trị sử dụng sản phẩm, 1 hecta sầu riêng trong 1 năm sử dụng phòng bệnh là 6 triệu đồng và trị bệnh là khoảng 5 triệu.
Về bức tranh tài chính, doanh thu thuần 3 tháng cuối năm 2023 đạt 3,1 tỷ đồng, dự kiến doanh thu thuần năm 2024 sẽ đạt 6 tỷ, với mức lợi nhuận là 29%. Năm 2025, Bacte dự kiến đạt doanh thu thuần 25 tỷ, năm 2026 là 45 tỷ. Tới năm 2029, startup nhắm đến mục tiêu doanh thu thuần 250 tỷ, EBITDA (lợi nhuận trước khấu hao, lãi vay và thuế) là 38%, tương đương 95 tỷ đồng.
Trước sản phẩm “too good to be true” (tốt đến khó tin), Shark Bình đặt câu hỏi về điểm yếu. Tuy nhiên, đội ngũ sáng lập tự tin khẳng định sản phẩm của Bacte “không có điểm yếu”.
“Như anh nói thì sản phẩm này ngon - bổ - rẻ, lại thân thiện với môi trường và an toàn như thế. Vậy tại sao nó chưa bùng nổ ngay?”, Shark Bình tiếp tục chất vấn. Đáp lại, startup thừa nhận họ chưa có đường đi rõ ràng trong cách thức marketing và khâu vận hành.
Với chia sẻ này, Shark Bình cho rằng thay vì bán sản phẩm, Bacte có thể bán công nghệ cho thế giới, chẳng hạn như Hàn Quốc. Phía Bacte tiết lộ có đối tác muốn mua sáng chế, nhưng họ đã từ chối và quyết định tự làm. Ông Nguyên cho biết thêm rằng trên thế giới có 2 sáng chế ở Mỹ và 1 sáng chế ở Úc cũng chiết xuất ra cinnamyl acetate để diệt nấm và sâu bệnh tương tự Bacte, nhưng nồng độ thấp hơn và chi phí cao hơn.
Lần đầu tham gia Shark Tank Việt Nam, vị “cá mập” người Đức Tillman Schulz vô cùng bất ngờ khi nghe phần trình bày của Bacte. Tuy nhiên, cũng như Shark Bình, CEO Tập đoàn MDS có phần ngờ vực vì thương vụ “nghe như trúng độc đắc”.
Startup thậm chí trả lời xuất sắc câu hỏi về xuất khẩu của Shark Minh Beta. Về chính ngạch, Bacte đã đăng ký lưu hành ở Thái Lan, dự kiến cuối năm nay có giấy phép. Tại Hàn Quốc, Bacte có đối tác là một tiến sĩ nông nghiệp dùng sản phẩm cho nông trại bắp cải làm kim chi, sau đó giới thiệu cho những người trong Hiệp hội ở Ulsan và Busan. Tại Úc, Bacte đã thử nghiệm thành công trên cây cà chua và được giới thiệu với một đối tác sẽ đưa sản phẩm phân phối ở Melbourne.
“Chúng tôi tự tin về sản phẩm, nhưng cách vận hành công ty còn nhiều lỗ hổng, nên chúng tôi mong muốn các Shark giúp Bacte vận hành cũng như xuất khẩu, tiếp cận thị trường thế giới. Cụ thể, với số vốn kêu gọi 10 tỷ đồng, chúng tôi sẽ dùng để xây dựng đội ngũ sale làm cho kênh GT (General Trade), bởi kênh này sẽ tải 70 -75% doanh số. Thứ hai là làm marketing quảng bá tại Việt Nam. Thứ ba là đăng ký sáng chế mới tại Mỹ”, hai đại diện của startup trình bày.
Mặc dù khâm phục và mong muốn hỗ trợ, nhưng vì không có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực này, Shark Bình cho biết sẽ đồng ý tham gia nếu có một Shark nào đó cùng đầu tư, sau đó đề xuất Shark Minh Beta dẫn dắt thương vụ (lead deal) vì ông chủ Beta Group từng học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp tại Đại học Sydney (Úc).
Được cả 4 “cá mập” còn lại tin tưởng giao quyền lead deal, Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 10 tỷ cho 25% cổ phần. Tuy nhiên, trước mắt Shark Minh chỉ muốn bỏ vào 2 tỷ để xác định tình hình, 4 tỷ tiếp theo dùng các giá trị quy đổi của hội đồng đầu tư, 4 tỷ còn lại là khoản vay chuyển đổi, sẽ được đầu tư vào cuối năm 2025 khi bức tranh bắt đầu rõ ràng hơn.
Trước đề nghị này, đội ngũ Bacte mong muốn điều chỉnh để nhận nhiều tiền mặt hơn, đồng thời giảm bớt số % cổ phần các Shark sở hữu.
Sau khi tham vấn hội đồng đầu tư, Shark Minh Beta đại diện sửa đề nghị thành 10 tỷ cho 20% cổ phần, trong đó: 3 tỷ đồng tiền mặt, 3 tỷ đồng in kind. 4 tỷ đồng còn lại là khoản vay chuyển đổi và giải ngân vào cuối năm 2025 với sự tham gia của cả 5 Shark Minh Beta, Tillman Schulz, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Phi Vân và Lê Mỹ Nga.
Shark Minh Beta thuyết phục startup rằng “phần trăm của một miếng bánh to quan trọng hơn giữ nhiều phần trăm của một cái bánh nhỏ”. Trong khi đó, Shark Nga nhắn nhủ Bacte hãy nghĩ đến sự bùng nổ trong tương lai và giá trị của việc có 5 Shark cùng tham gia deal.
Sau nhiều hồi đàm phán, phía Bacte đồng ý với deal của 5 “cá mập”, khép lại thương vụ thành công.