Startup KAMEREO ‘ấm bụng’ trong ‘mùa đông gọi vốn’: Hoàn tất vòng Series B với 7,8 triệu USD từ 5 ‘đồng hương’ Nhật Bản

Quỳnh Như | 16:23 09/12/2024

KAMEREO – startup B2B ngành thực phẩm vừa gọi được 7,8 triệu USD ở vòng gọi vốn Series B. Tham gia vòng gọi vốn này của Kamereo có các nhà đầu tư cá nhân và 5 quỹ đầu tư đều đến từ Nhật Bản như Sumitomo – đồng hương của Founder KAMEREO. Vào tháng 12/2024, KAMEREO cũng chính thức chào sân thị trường Hà Nội.

Startup KAMEREO ‘ấm bụng’ trong ‘mùa đông gọi vốn’: Hoàn tất vòng Series B với 7,8 triệu USD từ 5 ‘đồng hương’ Nhật Bản
KAMEREO chính thức mở rộng thị trường ra Hà Nội vào 12/2024

KAMEREO đã gọi được hơn 15 triệu USD sau 6 năm hoạt động

Nền tảng cung cấp thực phẩm B2B có trụ sở tại Việt Nam, KAMEREO đã huy động thành công 7,8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.

Trong lần đầu tư này, KAMEREO đã nhận được vốn của các nhà đầu tư bao gồm Sumitomo Corporation, Inspire Co. Ltd., SMBC Venture Capital Co. Ltd., Mitsubishi UFJ Capital Co. Ltd., REAZON HOLDINGS INC.; cùng một số nhà đầu tư cá nhân khác.

Cả 5 quỹ đầu tư trên đều đến từ Nhật Bản – cũng là quê hương của Nhà sáng lập Taku Tanaka. Ở những vòng gọi vốn trước, KAMEREO cũng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư có trụ sở chính ở Nhật Bản. Với lần gọi vốn này, KAMEREO đã thành công tăng tổng vốn huy động của công ty vượt 15 triệu USD.

Chúng tôi đã và đang liên tục xây dựng một chuỗi cung ứng thực phẩm tốt hơn tại Việt Nam, với doanh thu và lợi nhuận đều có sự cải thiện kể từ khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Thị trường cung ứng thực phẩm ở Việt Nam rất lớn, nhưng hiện tại chưa có ai nổi bật để chiếm lĩnh thị trường.

Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư đánh giá cao đội ngũ của chúng tôi và khả năng mang lại giá trị thực sự cho cả khách hàng và nhà cung cấp, thông qua việc xây dựng một chuỗi cung ứng toàn diện, từ đầu vào đến đầu ra, với mục tiêu trở thành nền tảng cung cấp thực phẩm lớn nhất tại Việt Nam”, ông Taku Tanaka giải thích lý do vì sao DN của ông có thể ngược chiều gió trong ‘mùa đông gọi vốn’.

taku-tanaka_ceo.7.jpg
Nhà sáng lập KAMEREO  - Taku Tanaka

"Với dân số vượt 100 triệu người vào năm 2023 và tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực mạng lưới phân phối thực phẩm, nơi vẫn còn nhiều đất để cải thiện hiệu quả.

KAMEREO đã chứng minh tiềm năng của mình khi xây dựng một chuỗi cung ứng tích hợp từ đầu nguồn đến cuối nguồn với sự phức hợp cao, đảm bảo giá cả ổn định, chất lượng và thời gian giao hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi rất ấn tượng với tinh thần của CEO Taku Tanaka, người đã thành công dẫn dắt doanh nghiệp tại một quốc gia nước ngoài bất chấp các thách thức như đại dịch Covid-19. Chúng tôi rất vinh dự được đầu tư vào KAMEREO và sẽ hỗ trợ các nỗ lực của họ bằng cách tận dụng mạng lưới Đông Nam Á của MUFG để giúp hiện thực hóa tham vọng của họ”, Taiki Goto - Phó Tổng Giám đốc, Bộ phận Đầu Tư II - Mitsubishi UFJ Capital Co. Ltd. tiếp lời.

Còn theo Manabu Fujimoto - Giám đốc Inspire Investment Co. Ltd. sở dĩ họ đầu tư vào KAMEREO bởi muốn hỗ trợ mở rộng ra nước ngoài của các DN Nhật Bản.

Trong suốt hơn 10 năm qua, công ty chúng tôi đã hỗ trợ việc mở rộng ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là tại khu vực ASEAN. Ngoài các khoản đầu tư đơn giản và hoạt động xúc tiến xuất khẩu, chúng tôi còn tham gia vào các nỗ lực gắn liền với việc thực hiện chiến lược phát triển quốc tế, như việc hợp tác chiến lược để thành lập các liên doanh.

Tại Việt Nam, một trong những thị trường tăng trưởng chủ chốt trong khu vực ASEAN, chúng tôi tin rằng chuỗi cung ứng tích hợp dọc của KAMEREO cung cấp giá trị thiết yếu và có lợi cho sự mở rộng kinh doanh, đồng thời luôn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và thị trường.

Thông qua khoản đầu tư này, chúng tôi hy vọng tạo ra cơ hội hợp tác giữa các ngành công nghiệp với các công ty được quỹ của chúng tôi hỗ trợ và cố gắng nâng cao giá trị doanh nghiệp bằng cách tận dụng các hiệu ứng tương tác”, ông Manabu Fujimoto nêu cụ thể.

warehouses-s-daily-operation.jpg
Một nhà kho của KAMEREO

Với Sumitomo Corporation, mục tiêu của họ khi đầu tư vào KAMEREO còn đơn giản hơn, sẽ có kế hoạch hợp tác với chuỗi bán lẻ Fujimart mà họ đang vận hành tại Hà Nội để hỗ trợ mở rộng kinh doanh cho KAMEREO.

Cũng theo ông Taku Tanaka, trong giai đoạn này, việc gọi vốn với con số nhỏ là hợp lý hơn.

Chúng tôi không có ý định huy động quá nhiều vốn chỉ để đạt được cột mốc quan trọng. Việc gọi một khoản tiền lớn không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất, vì điều đó sẽ làm loãng tỷ lệ cổ phần. Hơn nữa, việc huy động vốn không phải là mục tiêu hay thành tựu chính, mà chỉ là một công cụ để giúp chúng tôi thực hiện chiến lược và kế hoạch của mình. Chúng tôi sẽ luôn giữ thái độ khiêm tốn, cẩn thận trong việc chi tiêu”, Nhà sáng lập KAMEREO khẳng định.

KAMEREO vừa mới mở rộng thị trường đến Hà Nội và có thể là Phan Thiết – Vũng Tàu trong 2025

KAMEREO thành lập vào 2018, hiện họ có 200 nhân sự, đang hợp tác với hơn 100 nông hộ để phục vụ 3.000 doanh nghiệp trong mảng nhà hàng, quán ăn và quán cà phê.

Vào tháng 12/2024, KAMEREO đã chính thức mở rộng thị trường sang Hà Nội. Sắp tới, chúng tôi muốn hỗ trợ càng nhiều doanh nghiệp F&B tại Hà Nội càng tốt, nhằm trở thành 1 nền tảng tất cả trong 1 cho việc mua sắm và tìm nguồn cung của họ bằng cách xây dựng một chuỗi cung ứng tốt hơn, với giá cả cạnh tranh, nguồn cung ổn định và chất lượng dịch vụ cao.

Hiện chúng tôi đang tuyển dụng hơn 50 nhân sự tại Hà Nội để phục vụ bứco phát triển này. Trong tương lai, chúng tôi dự định mở rộng ra nhiều thành phố khác tại Việt Nam. Dự kiến vào năm 2025, chúng tôi sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Phan Thiết và Vũng Tàu, vì hoạt động tại TP.HCM hiện đã ổn định và phát triển tốt”, ông Taku Tanaka chia sẻ thêm.

Bên cạnh dịch vụ cung cấp thực phẩm B2B, KAMEREO đang phát triển mạnh mẽ mảng kinh doanh theo mô hình marketplace bằng cách tận dụng mạng lưới giao hàng chi tiết chặng cuối, hệ thống kho bãi có khả năng cung cấp 3 mức nhiệt độ bảo quản, cơ sở hạ tầng đang phục vụ hơn 3.000 khách hàng.

Không giống như mô hình truyền thống quản lý kho hàng trực tiếp, mô hình của KAMEREO cho phép các nhà sản xuất và nhà cung cấp lưu trữ hàng hóa trong kho của KAMEREO, còn các công ty sẽ đảm nhiệm các khâu bán hàng, giao hàng và thu tiền.

Bằng cách niêm yết sản phẩm trên marketplace của KAMEREO, các nhà cung cấp có thể bắt đầu bán hàng cho phân khúc HORECA (khách sạn, nhà hàng, quán cà phê) – một thị trường trước đây khó tiếp cận – mà không cần bỏ ra chi phí ban đầu hoặc xây dựng hệ thống vận hành.

rtc-products.jpg

Dự án đầu tiên trong mảng này, KAMEREO đã thiết lập mối quan hệ đối tác kinh doanh toàn diện với Gyomu Japan, đơn vị vận hành Gyomu Super tại Việt Nam, thuộc Kobe Bussan Co., Ltd. Thông qua sự hợp tác này, khoảng 450 sản phẩm từ Gyomu Super hiện đã có sẵn trên nền tảng KAMEREO.

Cuối cùng, KAMEREO đã và đang củng cố việc phát triển nhãn hàng riêng kể từ năm ngoái và dự kiến dành một phần nguồn vốn vừa huy động được để tiếp tục thúc đẩy mô hình này. Chiến lược này tập trung vào hai điểm chính: Phát triển và tăng cường cán hàng rau củ cắt sẵn (ready to cook) cho siêu thị và cửa hàng tiện lợi; và thương hiệu riêng cho sản phẩm tiêu dùng nhằm tăng nhận diện thương hiệu và tăng cạnh tranh về giá cả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Startup KAMEREO ‘ấm bụng’ trong ‘mùa đông gọi vốn’: Hoàn tất vòng Series B với 7,8 triệu USD từ 5 ‘đồng hương’ Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO