Sở hữu nhà máy điện khí LNG hơn 2 tỷ USD, kinh tế của tỉnh rộng nhất Việt Nam đang phát triển ra sao?

Hoàng Nguyễn | 06:00 29/10/2024

Đây là 1 trong 14 dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG thuộc danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành Điện tới năm 2030.

Sở hữu nhà máy điện khí LNG hơn 2 tỷ USD, kinh tế của tỉnh rộng nhất Việt Nam đang phát triển ra sao?

Mới đây, HĐND tỉnh Nghệ An vừa thông qua dự thảo Nghị quyết danh mục khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, danh mục khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập tại các thôn: Đồng Minh và Đồng Thanh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai.

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2,15 tỷ USD và quy mô đầu tư xây dựng dự án bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ.

Tổng diện tích của dự án khoảng 210 ha, trong đó diện tích sử dụng đất cho nhà máy khoảng 60ha, diện tích sử dụng mặt nước khoảng 150ha. Theo kế hoạch và tiến độ thực hiện, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành trong quý I, II năm 2025. Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh đề nghị thực hiện theo Bảng theo dõi tiến độ các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư của dự án sau khi được phê duyệt.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500 ngày 15/5/2023 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262 ngày 1/4/2024 nêu rõ, dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập có công suất 1.500 MW, bao gồm 2 tổ máy.

Quy mô dự án gồm nhà máy điện khí, bến cảng cho tàu khoảng 100.000-150.000 DWT, kho khí LNG và hệ thống tái hoá khí. Nhu cầu nhiên liệu của nhà máy nhập khẩu khí LNG khoảng 1,15 triệu tấn/năm.

Dự án Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập là 1 trong 14 dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG thuộc danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành Điện tới năm 2030 nhằm đưa tổng công suất nhiệt điện LNG cả nước đạt 22.400 MW.

Kinh tế Nghệ An đang tăng trưởng ra sao 9 tháng 2024?

Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An, trong 9 tháng năm 2024, tăng trưởng GRDP tỉnh Nghệ An ước đạt 8,30%. Đây là mức tăng trưởng đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 16 của cả nước; cao hơn so với mức tăng 6,22% của cùng kỳ 9 tháng năm 2023.

Cục Thống kê địa phương nhận định, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt ở một số sản phẩm chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất điện cùng tín hiệu khởi sắc trong lĩnh vực xây dựng nhờ chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giảm mặt bằng lãi suất và sự gia tăng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 23,41%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,72%; khu vực dịch vụ chiếm 41,28%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,59%.

Liên quan đến tình hình thu hút đầu tư, báo cáo cho biết, thu hút đầu tư tiếp tục đạt được kết quả khá tích cực. Trong tháng 9 (đến ngày 21/9/2024), tỉnh đã cấp mới cho 2 dự án với tổng vốn đầu tư 96,34 tỷ đồng; điều chỉnh 7 lượt dự án, trong đó 2 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 7.191 tỷ đồng (Điều chỉnh Dự án Công ty TNHH Công nghệ chính xác Luxcase (Việt Nam) tại KCN VSIP tăng TMĐT 299 triệu USD, tương đương 7.176 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 23/9/2024), trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 58 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 18.739,2 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều chỉnh 119 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 30 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 16.802,1 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 35.541,3 tỷ đồng, bằng 85,02% so với cùng kỳ năm 2023.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn dự tính 9 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 79.725,5 tỷ đồng, tăng 23,23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Vốn đầu thực hiện khu vực nước ngoài đạt 21.027,5 tỷ đồng, tăng cao nhất trong khu vực với 4,8 lần so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện khu vực nhà nước ước đạt 11.975,5 tỷ đồng, tăng 1,51%.Vốn đầu tư thực hiện khu vực ngoài Nhà nước ước đạt ước đạt 46.722,5 tỷ đồng, bằng 96,23%.

Theo Cục Thống kê địa phương, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh Nghê An trong năm 2023 (vượt mốc 1,6 triệu USD, đứng thứ 8 trên 63 tỉnh, thành trong cả nước) đã làm bàn đạp cho quá trình thực hiện các dự án FDI trong năm 2024. Nhiều dự án FDI lớn được khởi công vào cuối năm 2023 và đang được thúc đẩy thực hiện nhanh trong năm 2024. Trong đó, công ty TNHH công nghệ RUNERGY PV có vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng là 8.351,1 (chiếm 39,71% nguồn vốn FDI thực hiện cả tỉnh).

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024 (tính đến 21/9/2024), trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1.533 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,8%so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số vốn đăng ký thành lập 17.306,5 tỷ đồng, tăng 29,69%; 625 doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 15,43%.

Trong khi đó, số doanh nghiệp đã giải thể là 223 doanh nghiệp, tăng 26,7%; số doanh nghiệp thông báo giải thể là 434 doanh nghiệp, tăng 86,27%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 1.336 doanh nghiệp, tăng 10,32%.

Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 16.921 tỷ đồng, đạt 106,4% dự toán, bằng 145,4% cùng kỳ năm 2023; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 15.712 tỷ đồng, đạt 108,1% dự toán và bằng 145,1% cùng kỳ năm 2023.

Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, diện tích 16.490,25 km2 - lớn nhất cả nước (khoảng hơn 16.486,5
km2). Tính
đến hết năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh ước khoảng 175.740 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 10 cả nước và đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ.


(0) Bình luận
Sở hữu nhà máy điện khí LNG hơn 2 tỷ USD, kinh tế của tỉnh rộng nhất Việt Nam đang phát triển ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO