Doanh nghiệp tham gia đấu thầu thi công đường dây 500kV mạch 3
Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR) tiền thân là Xí nghiệp Khảo sát thiết kế và Xí nghiệp Xây lắp Công trình được thành lập năm 1995, là đơn vị hạch toán độc lập, một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.
Sau nhiều lần chuyển đổi tên giao dịch, đến tháng 9/2018, Công trình Viettel chính thức mang tên Tổng CTCP Công trình Viettel hoạt động kinh doanh với 6 trụ chính: Đầu tư Hạ tầng, Xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2C và B2B), Công nghệ thông tin, Giải pháp Tích hợp, Dịch vụ Kỹ thuật và Vận hành Khai thác.
Sau gần 30 năm phát triển, từ một đơn vị thuần xây lắp, chúng tôi đã phát triển một hệ thống chi nhánh rộng khắp với 63 Chi nhánh, hơn 700 Cụm/Đội Kỹ thuật trên cả nước, 5 Công ty thị trường nước ngoài.
Tổng công ty đã xây dựng được hệ thống hạ tầng mạng lưới viễn thông trong nước với hơn 50.000 trạm phát sóng, 320.000 km cáp quang (tương đương 8 vòng trái đất), bao phủ 100% lãnh thổ Việt Nam bao gồm vùng biển hải đảo, vùng sâu vùng xa. Đồng thời Tổng công ty còn tiên phong tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Từ đơn vị xây lắp thuần túy, trở thành Tổng Công ty cung cấp dịch vụ trên nền tảng kĩ thuật, công nghệ với quy mô gần 11.000 người.
Được biết, CTR đang tham gia đấu thầu thi công đường dây 500kV mạch 3. Ước tính tổng giá trị tham gia đấu thầu khoảng 4.000 tỷ đồng. Nếu trúng thầu, đây sẽ là nguồn việc lớn cho CTR trong 2 - 3 năm tới.
Ngoài ra, băng tần cho mạng 4G/5G dự kiến đấu giá vào tháng 11/2023. Nếu đấu giá thành công, các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được cấp giấy phép sử dụng băng tần để triển khai 5G thương mại. Nhu cầu về số lượng trạm phát sóng và nhu cầu về vận hành khai thác các thiết bị 5G mới sẽ tăng lên và là động lực tăng trưởng các mảng hoạt động của CTR trong thời gian tới.
CTR đang kinh doanh ra sao?
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng tốt. Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của CTR đạt lần lượt 7.066 tỷ đồng (tăng 20% theo năm) và 407 tỷ đồng (tăng 19% ). Động lực tăng trưởng chính là mảng Xây lắp và Hạ tầng cho thuê với doanh thu đạt lần lượt 1946 tỷ đồng (tăng 22%) và 275 tỷ đồng (tăng 40%). Các mảng kinh doanh còn lại cũng đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Nguồn: Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt
Theo tính toán của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của CTR trong năm 2023 dự kiến sẽ đạt lần lượt 10.937 tỷ đồng (tăng 16%) và 642 tỷ đồng (tăng 17%). Đà tăng trưởng tiếp tục duy trì đến năm 2024 với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế dự báo lần lượt 12.857 tỷ đồng (tăng 13%) và 726 tỷ đồng (tăng 13%).
Đà tăng trưởng kết quả kinh doanh của CTR đến từ số lượng trạm phát sóng xây mới tăng lên giúp tăng trưởng doanh thu mảng hạ tầng cho thuê và doanh thu mảng xây lắp dự báo tăng trưởng tốt nếu CTR trúng thầu xây dựng đường dây 500kV và thị trường bất động sản dự báo hồi phục giúp tăng giá trị hợp đồng xây dựng ký mới trong năm 2024.
"Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận gộp của mảng hạ tầng cho thuê đạt lần lượt 463 tỷ đồng (tăng 47%) và 136 tỷ đồng (tăng 42%) với giải định tổng số trạm của CTR đạt 6.286 vào cuối năm 2023.
Tính đến tháng 8/2023, CTR đã thực hiện xây mới 1.099 trạm BTS nâng tổng số trạm lên 5.385 trạm. Mảng hạ tầng cho thuê hiện có số lượng trạm ước tính tăng lên khoảng 2000 mỗi năm và biên lợi nhuận gộp cao, 30 - 40%. Mảng này đang dần chiếm vai trò quan trọng trong kết quả kinh doanh của CTR", Chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Ông Đoàn Hồng Việt
Ở một diễn biến khác, mới đây, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Created Future cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld – mã DGW) vừa thông báo đã hoàn tất mua vào 1,43 triệu cổ phiếu CTR trong ngày 22/9. Sau giao dịch, ông Việt đã nâng sở hữu lên gần 2,82 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,46% vốn điều lệ của Viettel Construction.
Cùng với việc hoàn tất giao dịch trên đã nâng tổng lượng sở hữu của nhóm cổ đông liên quan đến ông Đoàn Hồng Việt lên hơn 5,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,08% vốn điều lệ của Viettel Construction, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Thao báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm mới được CTR công bố, hiện, doanh nghiệp này có 114.385.879 cổ phần. trong đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội năm 65,66% cổ phần, Công đoàn Tổng Công ty giữ 0,89%, phần còn loại 33,46% cổ phần công ty do các cổ đông khác nắm giữ.
Còn trong báo cáo thường niên 2022, CTR cho biết, các lãnh đạo Tổng công ty sở hữu một lượng nhỏ cổ phiếu CTR. Cụ thể, ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT sở hữu 20.332 cổ phiếu (0,018%), ông Nguyễn Tất Trường - Thành viên HĐQT sở hữu 8.316 cổ phần (0,007%), ông Phạm Đình Trường - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc sở hữu 20.332 cổ phiếu (0,018%). Các Phó Tổng Giám đốc nắm giữ từ 32.216 - 98.996 cổ phần.