Sinh viên vừa ra trường cũng có thể làm lãnh đạo ngân hàng

Văn Tuệ | 07:32 15/12/2022

Hiện nay, bên cạnh việc cải thiện phúc lợi, lương thưởng nhằm giữ chân nhân tài, các ngân hàng cũng đã và đang chú trọng hơn trong việc tìm kiếm và phát triển các tài năng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sinh viên vừa ra trường cũng có thể làm lãnh đạo ngân hàng

Không chỉ duy trì các hình thức truyền thống như liên kết với các trường đại học để đào tạo nhân sự đúng nhu cầu, các ngân hàng còn đang có những chương trình tuyển dụng chuyên biệt dùng để thu hút các nhân sự trẻ.

Như tại Sacombank, vừa qua ngân hàng này đã phát động chương trình “Thực tập viên tiềm năng năm năm 2023”. Theo đó, 650 cơ hội thực tập đã được mang đến cho sinh viên trên khắp cả nước.

Một chương trình khác cũng đã mang đến 600 cơ trải nghiệm môi trường làm việc tại 11 phòng ban của ngân hàng cho sinh viên và người lao động trẻ đó là “The next banker 2023” của ACB. Khi trở thành thực tập sinh thuộc các chương trình này, sinh viên, người lao động sẽ được tham dự chương trình đào tạo chuyên sâu, với hàng loạt các khóa học nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng dụng trong công việc. Đồng thời, các ứng viên cũng sẽ được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, các nhà băng hiện cũng đã có chế độ hỗ trợ, phụ cấp hấp dẫn cho các ứng viên tham gia. Kết thúc chương trình, các thực tập sinh còn sẽ có cơ hội nhận việc chính thức tại ngân hàng.

Không chỉ dừng lại ở mức tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với công việc ngành ngân hàng, một số nhà băng còn có các chương trình quản trị viên tập sự (Management Trainee-MT) nhằm tuyển dụng các ứng viên tài năng để đào tạo và phát triển thành các nhà lãnh đạo, quản lý tương lai của ngân hàng.

Qua các khóa đào tạo MT, chỉ từ 18-24 tháng, các ứng viên hoàn toàn có thể ngồi vào các vị trí trưởng nhóm hoặc lãnh đạo của ngân hàng.

Hiện một số ngân hàng đã triển khai tuyển dụng và đào tạo quản trị viên tập sự có thể kể đến như Ngân hàng Phương Đông với “OCB Talented Banker”; VPBank với “VPBank Next Generation Manager”; “Techcom’s Future Gen” của Techcombank.

Theo ông Vũ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty KeyPerson- đơn vị chuyên tư vấn và đào tạo nhân sự, việc các ngân hàng mở rộng tuyển dụng, đặc biệt là với các chương trình thực tập sinh chủ yếu là do các nhà băng đã quy trình hóa, tiêu chuẩn hóa các chức danh cao hơn trước. Đồng thời, các sản phẩm cho thực tập sinh trải nghiệm cũng phần lớn là đơn giản.

Bên cạnh đó, hiện nay các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh mobile banking, chú trọng hơn đến ngân hàng số (digital-banking). Vì lẽ đó, các nhà băng đang có mong muốn gia tăng lượng người dùng dịch vụ digital-banking nhiều hơn. Điều này cũng đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nhân sự.

Cũng theo chuyên gia, các chương trình chiêu mộ thực tập sinh còn có một nhiệm vụ quan trọng khác đó là tạo nguồn nhân sự chính thức cho ngân hàng trong tương lai.

Về các chương trình quản trị viên tập sự, ông Dũng cho rằng ngành ngân hàng đã có sự tiếp thu học hỏi từ các đơn vị bán lẻ, các tập đoàn đa quốc gia. Đây là một bước đi rất phù hợp trong bối cảnh ngân hàng chuyển trọng tâm sang ngân hàng bán lẻ.

“Cá nhân tôi rất ủng hộ ngân hàng triển khai các chương trình này (MT). Tuy nhiên, việc tuyển dụng phải thực sự bài bản và thường xuyên, không phải chỉ vài năm hay một vài lần. Vì nếu triển khai không đều đặn, tính kế thừa và phát triển sẽ không cao”, ông Dũng đánh giá.

Về việc trang bị gì trước khi trở thành một banker, chuyên gia cho rằng, trước hết ứng viên cần chuẩn bị trước một tâm thế về việc làm việc trong các nhà băng sẽ rất áp lực. Yếu tố tiếp theo cần được các thí sinh trang bị đó là những kỹ năng để làm việc ở môi trường ngân hàng. Bên cạnh đó, ứng viên cũng phải mang thêm hành trang là kiến thức, đặc biệt là những hiểu biết thực tế thông qua đọc thường xuyên các sách báo về tài chính, kinh tế.

“Mỗi ngân hàng khi tuyển dụng thực tập sinh đều có những yêu cầu chuẩn bị về kiến thức, tài năng, kỹ năng và thái độ riêng. Bên cạnh những tiêu chuẩn ngân hàng đề ra, các thí sinh nên chuẩn bị thêm cách trình bày, giao tiếp lưu loát.

Bản thân công việc ngân hàng đã áp lực, song với MT sức ép còn cao hơn rất nhiều. Vì trong tương lai, đây sẽ là đội ngũ trở thành ‘sếp’ của ngân hàng, nên trong suốt thời gian tham gia chương trình, ứng viên sẽ đối mặt với các ‘bài tập’ có áp lực lớn với cường độ cao. Vì lẽ đó, các thí sinh còn phải đặc biệt trang bị thêm cho mình sức khỏe”, ông Dũng chia sẻ.

Chuyên gia nói thêm, mặc dù thường xuyên đối mặt với áp lực, song nhân sự ngân hàng vẫn có mức thu nhập tốt, tương xứng với kết quả đạt được, nên đây vẫn là ngành thu hút nhân lực lớn trong tương lai.


(0) Bình luận
Sinh viên vừa ra trường cũng có thể làm lãnh đạo ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO