Singapore chi gần 100 triệu USD mua một thứ của Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực

Dy Khoa | 18:16 24/01/2025

Singapore từng đề nghị Việt Nam hợp tác để đảm bảo an ninh lĩnh vực trọng yếu này.

Singapore chi gần 100 triệu USD mua một thứ của Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực

Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore dẫn số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore cho biết năm 2024 tổng giá trị nhập khẩu gạo của Singapore đạt hơn 456,2 triệu SGD (338 triệu USD) tăng 10,73% so với 2023.

Nhập khẩu gạo của Singapore trong năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt cả về số lượng và giá trị nhập khẩu. 

Số liệu thống kê của nước này ghi nhận, 7/9 nhóm gạo chính đều tăng trưởng dương, một số có mức tăng cao như: Gạo nếp (tăng 185,82%), gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (tăng 35,6%), gạo đồ (tăng 73,12%). Tuy nhiên, nhóm chiếm thị phần lớn nhất là gạo tẻ trắng chứng kiến sự sụt giảm ở mức 16,5%. 

viet-nam-se-dam-bao-xuat-khau-hon-8-trieu-tan-gao-trong-nam-2024-17147117444141429545477.png
Năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 sang Singapore.

Dấu ấn trong năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 sang Singapore với kim ngạch 128,9 triệu SGD (hơn 95 triệu USD), chiếm 28,25% thị phần. Ấn Độ và Thái Lan là 2 quốc gia xuất khẩu lớn nhất và nhì với kim ngạch lần lượt là 148,19 triệu SGD (32.48%) và 137,75 triệu SGD (30.19%). 

Như vậy, tổng cộng thị phần của 3 nước xuất khẩu hàng đầu đã chiếm tới 90,93% thị phần gạo tại Singapore.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore trong năm 2024 tiếp tục tăng trưởng cao, trong đó, một số nhóm tiếp tục chứng kiến mức tăng rất mạnh là: gạo nếp (kim ngạch 14,25 triệu SGD, tăng hơn 4,6 lần), gạo vỡ (kim ngạch 2,6 triệu SGD, tăng 113,63%) và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (kim ngạch 44,89 triệu SGD, tăng 65,73%).

Tuy nhiên, nhóm gạo chủ lực của Việt Nam tại thị trường Singapore là gạo tẻ trắng chỉ tăng nhẹ 0,24%, đạt kim ngạch 64,67 triệu SGD. Ngoài ra, nhóm gạo lứt thường cũng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước (kim ngạch 322.000 SGD, giảm 34,29%). 

Hiện Việt Nam là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất đối với 3 nhóm gạo là: gạo tẻ trắng (chiếm 42,23%); gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 65,73%) và gạo nếp (77,02%).

Ấn Độ là quốc gia chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường đối với gạo đồ (chiếm 99,48%) và gạo basmati xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 97,17%). 

Thái Lan là nước chiếm thị phần lớn nhất đối với các nhóm Gạo lứt homali (94,86%), gạo trắng homali (97,35%), gạo vỡ (58,21%). Với nhóm Gạo lứt thường, Nhật Bản chiếm thị phần lớn nhất (75,82%).

Singapore muốn hợp tác Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực

Cơ quan Thương vụ cho biết, thị trường gạo của Singapore có nhu cầu ổn định từ mức 300 đến 400 triệu SGD mỗi năm. Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo Singapore. 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, riêng với mặt hàng gạo, dù đã có sự vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 tại Singapore trong nửa đầu năm 2024 song sau đó đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Ấn Độ và Thái Lan.

33._brown_rice_in_ntuc_fairprice_credit_ministry_of_communications_and_information.jpg
Trong 6 tháng đầu 2024, gạo Việt Nam chiếm lĩnh vị trí số 1 tại Singapore, song sau đó đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Ấn Độ và Thái Lan. Ảnh minh hoạ.

Một phần nguyên nhân bởi việc quảng bá và giới thiệu mặt hàng gạo của Việt Nam tại thị trường này vẫn còn khá ít, chủ yếu là các hoạt động do Thương vụ Việt Nam tại Singapore triển khai, trong khi hoạt động xúc tiến quy mô lớn của các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng gạo Việt Nam chưa nhiều.

Đáng chú ý, các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ đều rất quan tâm đầu tư quảng bá hình ảnh sản phẩm và có thỏa thuận với các đơn vị nhập khẩu, phân phối về việc giữ tên, thương hiệu hàng hóa sản phẩm gạo của họ.

Hồi tháng 10/2024, trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Singapore Lawrence Wong với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Singapore đã cho biết nước này muốn hợp tác hơn nữa với Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực.

Cụ thể, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác nông nghiệp song phương, bảo đảm an ninh lương thực và cho biết sẵn sàng nhập khẩu hoa quả, thực phẩm, hải sản từ Việt Nam.

Theo giới phân tích, thương mại giữa Việt Nam - Singapore vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Đặc biệt, Singapore không chỉ là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam, mà còn có vai trò quan trọng là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các nước, do đó các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới vai trò này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Singapore chi gần 100 triệu USD mua một thứ của Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO