Siêu cường châu Á tìm ra nam châm xe điện không cần đất hiếm nặng: Sản xuất hàng loạt rất khả thi, Trung Quốc sắp mất thế độc quyền

Vũ Anh | 10:32 23/07/2025

Đột phá công nghệ này được cho là có thể giúp giảm bớt rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt xuất khẩu các nguyên liệu chiến lược này, theo Nikkei Asia.

Siêu cường châu Á tìm ra nam châm xe điện không cần đất hiếm nặng: Sản xuất hàng loạt rất khả thi, Trung Quốc sắp mất thế độc quyền

Tập đoàn luyện kim Proterial của Nhật Bản vừa phát triển thành công loại nam châm dành cho xe điện mà không cần kim loại đất hiếm nặng. Đột phá công nghệ này được cho là có thể giúp giảm bớt rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt xuất khẩu các nguyên liệu chiến lược này, theo Nikkei Asia. 

Proterial, trước đây là Hitachi Metals, đã nghiên cứu và cho ra đời hai loại nam châm neodymium – dòng nam châm thường được sử dụng trong các thiết bị chính xác và xe điện nhờ hiệu suất cao. Công ty đã bắt đầu vận chuyển mẫu thử nghiệm cho một trong hai loại nam châm này từ nhà máy sản xuất hàng loạt. Việc giao mẫu cho loại thứ hai – có khả năng chịu nhiệt tốt hơn – dự kiến sẽ bắt đầu sớm nhất vào tháng 4/2026.

Thông thường, nam châm neodymium thường được sử dụng để giúp động cơ xe điện nhỏ gọn, tuy nhiên để đảm bảo khả năng chịu nhiệt, chúng cần được bổ sung thêm các kim loại đất hiếm nặng như terbium và dysprosium. Với công nghệ mới, Proterial đã thành công duy trì hiệu suất của nam châm mà không cần sử dụng đến những nguyên liệu đắt đỏ nêu trên. 

Được biết, kim loại đất hiếm nặng như dysprosium và terbium có vai trò quan trọng trong nam châm vĩnh cửu neodymium hiện nay nhờ khả năng chịu nhiệt và chống khử từ. Tuy nhiên, nguồn cung chúng vốn đã khan hiếm và dễ biến động kể từ khi Trung Quốc ra động thái hạn chế vào năm 2010.

Một điểm đáng chú ý là các loại nam châm mới của Proterial có thể được tích hợp dễ dàng vào các động cơ hiện tại. Chúng được sản xuất theo phương pháp phổ biến trong ngành, có thể gia công theo nhiều hình dạng khác nhau dựa trên dây chuyền sản xuất hiện có. Quá trình sản xuất hàng loạt khá khả thi với chi phí thấp.

Triển vọng thực tiễn của công nghệ này rất sáng sủa. Trong khi các hãng ô tô thế giới từ BMW, Mercedes, Nissan đến GM đều đang tìm cách giảm lượng đất hiếm hoặc chuyển sang nam châm không chứa đất hiếm nặng, Proterial đã bước đi dài hơi với sản phẩm quy mô công nghiệp, hứa hẹn thương mại vào đầu năm 2026. Nếu công nghệ được sản xuất hàng loạt, các nhà sản xuất EV có thể giảm đáng kể chi phí vật liệu và rủi ro về nguồn cung, trong bối cảnh giá dysprosium vẫn ở mức cao.

geger.jpg

Proterial không phải là doanh nghiệp đầu tiên phát triển nam châm neodymium không dùng đất hiếm nặng. Tập đoàn Daido Steel trước đó cũng đã giới thiệu dòng nam châm tương tự dùng trong động cơ xe điện, tuy nhiên chúng đòi hỏi phải điều chỉnh thiết kế động cơ cũng như phương pháp làm mát để đạt hiệu suất tương đương với nam châm sử dụng đất hiếm nặng thông thường. 

Trong bối cảnh chiến lược công nghiệp Trung Quốc vẫn tập trung vào đất hiếm, Nhật Bản với công nghệ tái chế, thay thế, đa dạng hóa nguồn cung, đang từng bước giảm sự phụ thuộc, dần phục hồi vị thế chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chính phủ phương Tây, thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) hay Quy định Khoáng sản Thiết yếu, cũng đặt mục tiêu khuyến khích công nghệ tương tự.

Theo Nikkei Asia


(0) Bình luận
Siêu cường châu Á tìm ra nam châm xe điện không cần đất hiếm nặng: Sản xuất hàng loạt rất khả thi, Trung Quốc sắp mất thế độc quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO