Ở tập của chương trình Cơ hội cho ai, khán giả được chứng kiến cuộc tranh tài giữa 2 ứng viên của ngành công nghệ là Phạm Hoài Ân (28 tuổi, Hà Nội) với xuất phát điểm là một tay ngang trong lĩnh vực BA (Business Analyst) nhưng đã có năm kinh nghiệm làm việc, giảng dạy. Đối thủ của anh chàng này là Võ Minh Đức, 25 tuổi đến từ Bình Định, một dân công nghệ thông tin chính hiệu.
Câu hỏi khiến ứng viên phải á khẩu
Ở vòng Đối mặt, hai ứng viên có phần tranh luận vô cùng gay cấn với chủ đề: “Nhiều người trong giới công nghệ hiện nay, kêu gọi tạm dừng phát triển trí tuệ nhân tạo do lo ngại AI có thể hủy diệt nhân loại. Quan điểm của bạn như thế nào về việc này?”
Ngay ở những phút mở đầu, cả Hoài Ân và Minh Đức đã cho thấy sự khác nhau trong góc nhìn. Trong khi dân nhà nghề - Minh Đức cho rằng nên ủng hộ việc phát triển AI, thì dân tay ngang - Hoài Ân lại không đồng ý 100% với quan điểm đó. Hoài Ân cho rằng chúng ta phải cẩn thận khi phát triển AI vì khi phát triển quá nhanh vô hình chung sẽ tạo ra sự ỉ lại, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến thị trường lao động.
Ngoài những ý kiến khác nhau thì cả hai ứng viên cũng có một quan điểm chung rằng AI không thể hủy diệt con người, bởi AI được tạo ra với mục đích nhằm tăng trải nghiệm người dùng, tăng năng suất lao động.
Sau phần ‘khẩu chiến’ cực gắt đến từ Hoài Ân và Minh Đức, Sếp Hoàng Nam Tiến đã đưa ra một câu hỏi rất khó nhằn cho hai ứng viên: ‘Các bạn sẽ lập trình một chiếc xe ô tô không người lái chạy trên xa lộ và gặp một người chạy tạt ngang qua. Nếu phanh xe lại để không đâm chết người đó thì xe sau sẽ đâm bạn, nếu tạt phải, tạt trái thì sẽ gây tai nạn chết người ở làn đường hai bên còn nếu chạy thẳng sẽ đâm người ở phía trước. Vậy bạn sẽ lập trình chiếc xe không người lái này như thế nào?’
Trả lời câu hỏi của Sếp Tiến, Minh Đức cho rằng vẫn phải kết hợp cả AI và con người trong trường hợp này: “AI đã được áp dụng cho trên những công nghệ trên xe Tesla rồi nhưng con người vẫn phải tham gia điều khiển”.
Còn phía Hoài Ân lại thẳng thắn đưa ra quan điểm rằng: “Sẽ không lập trình tính năng không người lái”.
Sếp Tiến tiếp tục dồn Hoài Ân vào thế bí: “Ô tô lúc đấy bắt buộc phải xử lý.
Lúc này Hoài Ân đưa ra hai quan điểm đối lập: “Thứ nhất về mặt đạo đức xã hội thì mình sẽ là người dừng. Thứ hai về mặt kinh doanh, mình sẽ không dừng để đảm bảo an toàn cho người dùng”
Đáp lại câu trả lời của ứng viên này, Sếp Tiến phũ phàng: “Vậy chiếc xe của em sẽ không bao giờ được bán ra thị trường vì nó được sản xuất để sẵn sàng đâm chết người nhằm cứu lấy bản thân mình”
Sếp Tiến thừa nhận đây là câu hỏi “Cực khó. Khó ơi là khó” để tạo áp lực cho ứng viên và cho đến bây giờ cũng chưa ai trả lời được câu hỏi trên.
“Big deal” của sếp Tiến dành cho ứng viên đặc biệt
Khép lại vòng Đối mặt ứng viên ứng viên Phạm Hoài Ân giành được ⅘ sếp bình chọn, còn ứng viên Võ Minh Đức chỉ được ⅕ sếp bình chọn. Sếp Lan đã thể hiện rất rõ sự yêu thích dành cho ứng viên Hoài Ân. Để chắc chắn giành được ứng viên tiềm năng Hoài Ân về làm việc cho công ty của mình, Sếp Lan đã ngay lập tức rời ghế nóng để sang ‘nhắc nhẹ’ Sếp Tiến phải có trách nhiệm khi bình chọn cho Minh Đức. Đồng thời thương lượng sếp Tiến sẽ không tham gia giành ứng viên Hoài Ân ở vòng sau, đổi lại sếp Lan sẽ mời sếp Tiến và Minh Đức đi ăn cá mập ở Quy Nhơn.
Đáp lại hành động của Sếp Lan, Sếp Tiến bày tỏ “Nếu về mặt tình cảm bình thường tôi sẽ chọn bạn Ân. Nhưng tình cảm của tôi với Quy Nhơn rất đặc biệt.”
Câu trả lời của Sếp Tiến tuy còn mập mờ nhưng đã phần nào làm Sếp Lan an tâm hơn trong cuộc chinh phục ứng viên sắp tới.
Trước khi chia tay Minh Đức, một điều đặc biệt đã xảy ra ngay trên trường quay Cơ hội cho ai. Sếp Tiến cho biết giám đốc của FPT Software về AI tại Quy Nhơn đã gửi lời mời Minh Đức đến thăm công ty và nếu có thể sẽ có những câu chuyện tiếp theo.
Sau khi nhận kết quả, Minh Đức chia sẻ rằng anh hài lòng và rất vinh hạnh khi nhận được sự chú ý của Sếp Tiến. Bước sang vòng Chinh phục, để giữ giao kèo với Sếp Lan trước đó, Sếp Tiến đã ngay lập tức bật đèn đỏ từ chối tuyển Hoài Ân trong những giây đầu tiên.
Sếp Lan dành lời khen không ngớt vì hành động “quân tử nhất ngôn” của vị lãnh đạo đến từ tập đoàn FPT.