Sếp FPT: Nhận định “trong lịch sử Việt Nam chưa có năm nào tăng trưởng GDP hai chữ số (trên 10%)” không còn đúng

Anh Tuấn | 15:32 22/02/2025

Trên trang cá nhân của mình, ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT Tập đoàn FPT đã chia sẻ góc nhìn của mình về tăng trưởng GDP của Việt Nam

Sếp FPT: Nhận định “trong lịch sử Việt Nam chưa có năm nào tăng trưởng GDP hai chữ số (trên 10%)” không còn đúng

Mở đầu bài viết, thành viên HĐQT của FPT cho biết, có một số chỉ số kinh tế của Việt Nam trong quá khứ đang bị tham chiếu hoặc trích dẫn thiếu chính xác (dù có lấy nguồn của Tổng cục Thống kê - GSO).

Đặc biệt là các chỉ số tăng trưởng GDP, tỷ trọng đóng góp vào GDP của các loại hình doanh nghiệp, tỷ lệ thu chi ngân sách trên GDP, tỷ lệ nợ công trên GDP trong giai đoạn 2010-2017.

Cụ thể, ông Bảo viết: “Các chỉ số kinh tế quốc gia sau đây là thông tin thiếu chính xác, dù có lấy nguồn từ GSO:

1) Tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa bao giờ trên 10%, cao nhất là 9,5% (bản thân tôi cũng đã một vài lần khẳng định rằng “tăng trưởng GDP của Việt Nam trong hơn 30 năm qua tuy thuộc top cao trên thế giới, nhưng chưa có năm nào tăng trưởng trên 10% như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc”).

2) Giai đoạn trước năm 2020, doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp vào GDP dưới 10%.

3) Tỷ lệ thu, chi ngân sách giai đoạn 2010-2017 lên đến trên 26% GDP.

4) Tỷ lệ nợ công giai đoạn 2010-2017 lên đến 55%-58,5%.

Tại sao lại thiếu chính xác, mặc dù đây là số liệu của chính GSO công bố trong các năm trước đây, đã được nhiều tổ chức công bố và các kênh truyền thông đăng tải?

do-cao-bao-1635994255012999970127.jpg

Ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT Tập đoàn FPT

Lý do rất đơn giản là năm 2019, GSO đã thực hiện đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017 (theo khuyến nghị và giám sát, hỗ trợ của IMF).

Kết quả đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017 đã khẳng định tổng GDP Việt Nam tăng thêm trung bình 25,4% mỗi năm và GDP bình quân đầu người tăng thêm trung bình 25,6% mỗi năm.

Tất nhiên, khi mà GDP tăng thêm 25,4% mỗi năm và GDP đầu người tăng thêm 25,6% mỗi năm, thì các chỉ số kinh tế khác cũng thay đổi theo và phải tính toán, điều chỉnh lại.

Từ đó dẫn đến có rất nhiều chỉ số kinh tế mà GSO công bố trước đây không còn đúng nữa, chúng ta phải sử dụng các chỉ số kinh tế mới.

Các chỉ số kinh tế thay đổi bao gồm: tăng trưởng GDP, tỷ lệ đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế, tỷ lệ thu, chi ngân sách trên GDP, tỷ lệ nợ công trên GDP, tỷ lệ bội chi ngân sách, hiệu quả sử dụng vốn (ICOR). Các chỉ số này sau khi tính toán lại đều thay đổi  khá nhiều so với chính con số mà GSO đã công bố trong các năm trước.

Đầu tiên, GSO đã tính lại tỷ lệ đóng góp vào GDP trong năm 2019 như sau:

1) Doanh nghiệp nhà nước giảm từ 27,06% xuống 20,59%.

2) Doanh nghiệp FDI giảm từ 20,34% xuống 19,91%.

3) Doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng từ 42,68% lên 50,55% (tất nhiên doanh nghiệp tư nhân - DNTN sẽ tăng lên tương ứng, không phải là 9-10% như đã công bố trước đây).

Như vậy từ năm 2019, DNTN đã trở thành khối doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào GDP chứ không phải doanh nghiệp FDI”.

Với con số tổng GDP mới (tăng trung bình 25,4% mỗi năm), sau khi tính toán lại thì tăng trưởng GDP của Việt Nam đã có 3 năm tăng trưởng trên 10%, đó là năm 2010 tăng 12,83% (số cũ là 6,4%), năm 2011 tăng 14,42% (số cũ là 6,4%), và năm 2012 tăng 11% (số cũ là 5,5%).

Ông Bảo kết luận: “Như vậy câu nói “trong lịch sử Việt Nam chưa có năm nào tăng trưởng GDP hai chữ số (trên 10%)” không còn đúng nữa.

Hai vấn đề DNTN đóng góp bao nhiêu % vào GDP, đã lớn nhất chưa và Việt Nam đã bao giờ tăng trưởng GDP trên hai chữ số, tưởng là vấn đề không lớn nhưng lại đặc biệt quan trọng”. 

Lãnh đạo FPT giả định, nếu Việt Nam đã có 3 năm tăng trưởng GDP trên 11% thì có thêm niềm tin rằng trong những năm tới chúng ta có thể tạo ra giai đoạn tăng trưởng GDP trên 10% (điều kiện cần thiết để một nền kinh tế hoá Rồng) cũng như việc DNTN đã và đang đóng góp lớn nhất vào GDP sẽ tạo niềm tin rằng DNTN sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.


(0) Bình luận
Sếp FPT: Nhận định “trong lịch sử Việt Nam chưa có năm nào tăng trưởng GDP hai chữ số (trên 10%)” không còn đúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO