Phiên giao dịch chiều ngày 26/5, loạt cổ phiếu ngành dệt may đồng loạt tăng hết biên độ như TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (6,9%), MSH của May Sông Hồng (6,9%), HTG của Dệt may Hòa Thọ (7%), TNG của Đầu tư và thương mại TNG (9,5%), VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (14,7%) và GIL của Gilimex (6,8%).
Ngoài ra, các cổ phiếu dệt may khác cũng có đà tăng tích cực trong phiên giao dịch ngày hôm nay là M10 (10,6%), STK (6,7%), ADS (3,3%), VGG (7,7%), HDM (5,6%).
.png)
.png)
Về ngành dệt may, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 3 đã thu về hơn 3,06 tỷ USD, tăng 25,4% so với tháng trước đó. Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 8,69 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Kết thúc quý I/2025, Mỹ là khách mua lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam chiếm 43,6% thị phần, kim ngạch đạt 3,78 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với hơn 1,07 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3 với 827,5 triệu USD.

Ngành dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tính đến năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ với những thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
So với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các nước xuất khẩu dệt may, đạt 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm. Kết quả này đã giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc và vượt qua Bangladesh.
Tại thị trường trọng điểm, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 đạt 16,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38% kim ngạch xuất khẩu.
Mới đây, theo thông tin từ Reuters, trả lời các phóng viên trước khi bước lên chuyên cơ Không lực Một ở New Jersey, Tổng thống Trump cho biết ông đồng ý với bình luận của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent hôm 29/4 rằng Mỹ "không nhất thiết cần một ngành công nghiệp dệt may bùng nổ".
"Chúng tôi không muốn sản xuất giày thể thao và áo phông . Chúng tôi muốn sản xuất thiết bị quân sự, những thứ lớn lao, những thứ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) bằng máy tính", ông Trump cho biết.
"Thành thật mà nói, tôi không muốn sản xuất áo phông hay tất. Chúng tôi có thể làm điều đó rất tốt ở những địa điểm khác. Thay vào đó, chúng tôi đang muốn sản xuất chip, máy tính và nhiều thứ khác, cũng như xe tăng và tàu chiến".
Trước đó, tại Hội thảo chuyên đề tháng 5 do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức, nhận định về các cơ hội của thị trường, TS. Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định, 6 tháng đầu năm thị trường ngành May có nhiều cơ hội về đơn hàng, thậm chí có thể kéo dài tới hết quý 3/2025.
Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng nói thêm rằng, từ nay tới 10/7, có thể Mỹ sẽ có các chính sách về thuế đối ứng tạm thời cho Việt Nam và còn phải chờ kết quả đàm phán của Bộ Công thương và Chính phủ.
Tuy nhiên, về mặt tích cực thì tồn kho của Mỹ đang ở mức thấp, do đó các đơn hàng trong quý 3/2025 có thể vẫn tốt, nhưng quý 4/2025 có thể bị giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng của Mỹ giảm. Theo dự báo thì nhu cầu tiêu dùng của quốc gia này có thể bị giảm khoảng 5% trong năm 2025. Cùng với đó, các chính sách đàm phán thuế quan hiện nay đang được triển khai theo nhóm mặt hàng, do đó có thể có cơ hội đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam.