Sau loạt chỉ đạo nóng, giá trúng đấu giá đất tại Phúc Thọ (Hà Nội) cao nhất 60 triệu đồng/m2

Lê Sáng | 14:09 29/08/2024

Sau loạt chỉ đạo nóng của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT và TP. Hà Nội yêu cầu kiểm tra các phiên đấu giá đất tại Thanh Oai, Hoài Đức với giá trúng lên tới 133 triệu đồng/m2, phiên đấu giá đất mới nhất tại huyện Phúc Thọ vừa diễn ra với 39 lô đất được đấu giá, giá cao nhất dừng ở 60 triệu đồng/m2.

Sau loạt chỉ đạo nóng, giá trúng đấu giá đất tại Phúc Thọ (Hà Nội) cao nhất 60 triệu đồng/m2
30 lô đất khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có diện tích 96 – 148 m2, mức giá khởi điểm từ 23,4 triệu đồng/m2. Ảnh: Minh Thành

Sáng 29/8, 39 lô đất ở xã Trạch Mỹ Lộc và xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ lên sàn đấu giá tại hội trường UBND huyện.

Các lô đất có tổng diện tích hơn 4.600 m2, tổng giá trị khởi điểm là 107 tỷ đồng. Vị trí các lô đất cách quận Hoàn Kiếm khoảng 40 km.

Trong đó, xã Trạch Mỹ Lộc có 30 lô nằm ở khu Dộc Tranh, diện tích 96-148 m2, giá khởi điểm hơn 23 triệu đồng một m2. Còn lại là các lô thuộc xã Thọ Lộc với giá khởi điểm gần 20 triệu đồng, diện tích khoảng 134 m2 một mô. Người tham gia phải đặt trước 20% giá khởi điểm của thửa đất, tương đương 450-700 triệu đồng mỗi lô.

Phiên đấu giá hút hơn 350 người tham gia với 650 hồ sơ đăng ký hợp lệ. Tỷ lệ này tương đương mỗi lô đất cho 9 khách hàng quan tâm.

dau-gia-dat-phuc-tho.jpg
Giá khởi điểm một thửa đất trong phiên đấu giá vừa diễn ra tại huyện Phúc Thọ ở mức 23,4 triệu đồng/m2. Giá trúng cao nhất ở mức 60 triệu đồng/m2.

Theo kết quả sơ bộ, toàn bộ 39 lô đất đều đã bán đấu giá thành công. Trong đó, lô cao nhất trúng với giá 60 triệu đồng/1m2, gấp 2,6 lần mức khởi điểm. Lô đất này có kí hiệu ĐG06, diện tích gần 149 m2. Người trúng sẽ phải bỏ ra khoảng 9 tỷ đồng.

Khác với phiên đấu giá mới nhất tại Hoài Đức với nhiều vòng đấu và tối thiểu qua 6 vòng, tại phiên đấu giá huyện Phúc Thọ, người tham gia viết phiếu trả giá trong một lần. Ngay sau đó, đấu giá viên xem xét các phiếu công khai tại chỗ để xác định người trúng theo nguyên tắc trả cao nhất cho một m2 của lô đất.

Theo Nghị định 10/2023, mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá là 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm. Tức giá khởi điểm càng cao, số tiền đặt cọc càng lớn. Tại phiên đấu giá huyện Phúc Thọ, nhà đầu tư phải đặt trước tối thiểu 450-700 triệu đồng một lô, cao hơn 3,5-4 lần so với mức cọc của hai phiên đấu giá ở Thanh Oai và Hoài Đức trước đó.

Giá trúng và khởi điểm trong phiên này có biên độ chênh lệch thấp hơn nhiều so với hai phiên đấu giá trước đó. Phiên đấu ở huyện Hoài Đức, mặt bằng giá trúng cao hơn khởi điểm đến 12,5-18 lần, còn tại Thanh Oai, mức chênh lệch cũng dao động 5-6 lần. Lý do là giá khởi điểm tại phiên đấu giá huyện Phúc Thọ đã ở mức cao, trong khi các phiên trước đó đều khởi điểm rất thấp, từ 7-8 triệu đồng một m2.

Từ đầu tháng 8, các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức đã thu hút lượng người tham gia lớn, với hàng nghìn hồ sơ đăng ký, gây xôn xao thị trường. Tại phiên gần nhất ở Hoài Đức ngày 19/9, hơn chục lô đất được trúng với giá trên 100 triệu đồng mỗi 2, trong đó lô cao nhất là hơn 133 triệu đồng một m2.

Mức này cao hơn 18 lần giá khởi điểm, được nhiều nhà đầu tư, chuyên gia nhận xét vượt giá trị thực so với các lô đất cùng khu vực. Một số ý kiến cũng cho rằng các cuộc đấu giá còn những điểm bất hợp lý như giá khởi điểm quá thấp làm tiền đặt cọc ít, chưa đủ sức ngăn ngừa tình trạng không nộp tiền nếu trúng với giá cao. Cách thức tổ chức đấu giá tại một số địa phương cũng có thể chưa phù hợp, khiến thời gian đấu giá có thể kéo dài xuyên đêm.

Ngày 21/8, ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc đấu giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập đoàn kiểm tra nắm tình hình việc đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Hoài Đức và Thanh Oai.

Những phiên đấu giá đất nền tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức,… diễn ra nóng bỏng với giá trúng gấp nhiều lần giá khởi điểm và giá rao bán bình quân tại các khu vực xung quanh vị trí đấu giá được đánh giá là bất thường.

Nhận định về giải pháp quản lý và định hướng thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh nhiều cá nhân, tổ chức đang có dấu hiệu lợi dụng hoạt động đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá gây hỗn loạn, méo mó thị trường để trục lợi, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy công cụ duy nhất để giữ ổn định thị trường bất động sản nhà ở là xây dựng một sắc thuế hợp lý về bất động sản trên nguyên tắc: lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản chỉ ngang với lợi nhuận trong kinh doanh sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

Theo GS. Võ, cần đánh thuế cao đối với những trường hợp sử dụng nhà đất với diện tích lớn hơn mức phù hợp cho cuộc sống. Khi con người không dễ dàng làm giàu được từ nhà đất thì thị trường bất động sản mới có cơ hội ổn định và kinh tế hàng hóa mới phát triển.

Bên cạnh đó, cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, chủ trương cải cách thuế bất động sản đã rất rõ ràng từ 20 năm nay. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 3 Nghị quyết về đất đai (NQ 26 năm 2003, NQ 19 năm 2012 và NQ 18 năm 2022), trong đó đều nói trọng tâm là cải cách thuế bất động sản theo hướng đánh thuế vào những trường hợp nhiều nhà đất, có nhà đất nhưng không được sử dụng.

“Vấn đề là 20 năm rồi nhưng nội dung về cải cách thuế bất động sản trong các Nghị quyết này vẫn chưa được thực hiện. Nếu không quyết đoán trong cải cách thuế bất động sản thì giá nhà đất còn lên đến đâu nữa, và nền kinh tế đất nước, đời sống người dân bình thường sẽ còn ảnh hưởng đến mức nào?”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ trăn trở.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sau loạt chỉ đạo nóng, giá trúng đấu giá đất tại Phúc Thọ (Hà Nội) cao nhất 60 triệu đồng/m2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO