Sau gạo, thêm mặt hàng nông sản khác có nguy cơ lên cơn sốt giá khi nước xuất khẩu số 2 thế giới giảm gần 20% sản lượng do hạn hán

Khánh Vy | 09:35 08/09/2023

Giá mặt hàng này đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm sau hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu.

Sau gạo, thêm mặt hàng nông sản khác có nguy cơ lên cơn sốt giá khi nước xuất khẩu số 2 thế giới giảm gần 20% sản lượng do hạn hán

Theo Bloomberg, Rangsit Hiangrat, Giám đốc Hiệp hội ngành công nghiệp mía đường Thái Lan (Thai Sugar Millers Corporation) cho biết, sản lượng sẽ giảm 18% xuống còn khoảng 9 triệu tấn trong niên vụ 2023/2024. Thời tiết nắng nóng và khô hạn khắc nghiệt có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới. 

Thái Lan là nước xuất khẩu đường số 2 thế giới nên việc sản lượng đường của nước này sụt giảm sẽ càng gây thêm áp lực cho thị trường toàn cầu.

“Một số nông dân có thể chuyển sang trồng sắn với hy vọng cây trồng sẽ chịu được nắng nóng tốt hơn. Với tình trạng hạn hán như thế này, tôi không tin cây trồng nào có thể phát triển tốt. Mía, sắn hay lúa đều bị thiệt hại”, ông cho biết.

screenshot-2023-09-08-090259.png
Diễn biến giá đường trong vòng 1 tháng qua (Nguồn: Trading Economics)

Giá đường đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm trong tuần này sau khi Alvean, nhà kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới dự báo năm nay sẽ là một năm thiếu hụt đường. Nắng nóng cực độ ở Ấn Độ cũng góp phần gây ra tình trạng khan hiếm đường, điều này cũng cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động đến thị trường thực phẩm toàn cầu như thế nào.

Ông Rangsit dự báo xuất khẩu đường của nước này sẽ giảm xuống còn 6 triệu tấn vào năm tới từ mức 8 triệu tấn trong năm nay. Theo Bộ thương mại Thái Lan, doanh số bán hàng ở nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2023 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng mía ở Thái Lan dự kiến sẽ giảm xuống 82 triệu tấn trong niên vụ 2023/2024 từ mức 93,9 triệu tấn trong niên vụ hiện tại do tình trạng thiếu nước ở các khu vực sản xuất trọng điểm.

Trong niên vụ sắp tới, nhiều khả năng Ấn Độ cũng sẽ không có đủ đường để phân bổ cho hạn ngạch xuất khẩu. Hiện Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại tính đến ngày 30/9.

Các chuyến hàng của Ấn Độ là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu toàn cầu sau khi vụ thu hoạch ở nước xuất khẩu hàng đầu Brazil kết thúc vào cuối năm nay. Lo ngại về tình trạng thiếu đường trong những tháng đầu năm 2024 đã khiến mức chênh lệch của hợp đồng tương lai tháng 3 so với giá giao hàng trong tháng 5 tăng vọt.

Tại Pakistan - một quốc gia xuất khẩu mía đường khác, mới đây Ủy ban Điều phối Kinh tế (ECC) của Nội các Pakistan đã phê duyệt lệnh cấm xuất khẩu đường sau khi giá đường tăng lên mức kỷ lục 170 Rs/kg tại thị trường nội địa.

Trưởng nhóm tình báo thương mại tại Alvean, một công ty thương mại do nhà sản xuất Brazil Copersucar SA kiểm soát, cho biết: “Thế giới sẽ gần như cạn kiệt đường”.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích trồng mía cả nước năm 2022 chỉ còn 165,9 nghìn ha, giảm 48,2% so với năm 2002. 

Do sản xuất trong nước mới đạt 37,5% so với tổng nhu cầu, nên hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu lượng đường rất lớn mới đáp ứng đủ. Ngoài lượng đường nhập chính ngạch trong và ngoài hạn ngạch, còn một lớn đường lớn nhập lậu từ Campuchia và Lào trong năm 2022 là 816,53 nghìn tấn, tăng 37,64% so với năm 2021.

Tuy không phải là quốc gia nhập khẩu đường thuộc top đầu thế giới nhưng với sức ép ngày càng gia tăng về nhu cầu tiêu thụ đường, Việt Nam có thể gặp những khó khăn nhất định khi lượng đường sản xuất trong nước thu hẹp đi kèm việc bổ sung nguồn cung từ nhập khẩu ngày càng khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.


(0) Bình luận
Sau gạo, thêm mặt hàng nông sản khác có nguy cơ lên cơn sốt giá khi nước xuất khẩu số 2 thế giới giảm gần 20% sản lượng do hạn hán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO