Lợi nhuận ròng của Exxon Mobil và Chevron trong quý III đạt 30 tỷ USD. Exxon đã ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong 152 năm hoạt động, còn Chevron có 2 quý bùng nổ liên tiếp nhờ nhu cầu và giá khí đốt tăng mạnh.
Song, ngay cả khi “chìm” trong các khoản lãi khi chỉ 2 năm trước họ rơi vào chuỗi ngày đen tối nhất, thì các giám đốc điều hành đang chịu áp lực lớn. Họ phải cân nhắc hạ giá bán năng lượng cho người tiêu dùng, cùng lúc cắt giảm lượng khí thải khiến thế giới nóng lên. Trong khi đó, các cổ đông cũng yêu cầu được trả cổ tức cao hơn và chấm dứt các dự án thăm dò tốn kém.
Exxon Mobil Corp., Chevron Corp., Shell Plc và TotalEnergies SE đã trả gần 100 tỷ USD cho các cổ đông dưới hình thức mua cổ phiếu quỹ và chia cổ tức. Trong khi đó, họ chỉ tái đầu tư 80 tỷ USD vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi trong năm nay, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Sự khởi sắc của ngành dầu mỏ lại hoàn toàn trái ngược với những gã khổng lồ ngành công nghệ từng “làm mưa làm gió” trong phần lớn thập kỷ qua. Loại hàng hoá được khai thác từ các giếng, nhà máy lọc dầu và nhà máy hoá chất không chỉ có khả năng chống chọi với lạm phát và suy thoái, mà còn mang lại những con số hấp dẫn hơn so với doanh thu dựa trên quảng cáo của Alphabet và Snap.
Tuy nhiên, họ lại đang trở thành mục tiêu chỉ trích của các chính trị gia từ Washington đến London. Cuộc tranh cãi xảy ra trong tuần này không liên quan quá nhiều đến việc các doanh nghiệp năng lượng lớn nhất thế giới kiếm được bao nhiều tiền, mà là cách họ làm gì với chúng.
Tổng thống Joe Biden đã chia sẻ trên Twitter vào hôm thứ Sáu về việc Exxon tăng cổ tức: “Không thể tin được là tôi phải nói điều này, nhưng việc trả tiền cho cổ đông không giống với việc giảm giá cho các gia đình Mỹ.”
Ông tiếp tục chỉ trích Exxon trong một buổi gây quỹ cho đảng Dân chủ ở Philadelphia. Tổng thống Mỹ nói rằng, công ty này kiếm được nhiều tiền chưa từng có trong 152 năm, trong khi phần còn lại của nước Mỹ đang gặp khó khăn. Theo ông, những khoản lợi nhuận lớn đó nên chuyển thành hành độn giảm giá và hỗ trợ người dân Mỹ, họ mới là những người xứng đáng và cần đến nó.
Ngoài ra, Ro Khanna - đảng viên đảng Dân chủ California, và lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cũng lên tiếng chỉ trích hành động của các công ty dầu mỏ.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, việc ngừng vận chuyển phần lớn khí đốt tự nhiên đến châu Âu và các lệnh trừng phạt đã khiến cả thế giới khan hiếm năng lượng, đẩy giá tăng cao. Khi giá xăng dầu và tiện ích tăng cao đang “bóp nghẹt” người tiêu dùng, cùng lúc đẩy lạm phát leo thang, giới chính trị gia đang yêu cầu các doanh nghiệp dầu mỏ phải tái đầu tư nhiều hơn để giảm căng thẳng cho thị trường.
Đối với các giám đốc điều hành công ty dầu mỏ, họ đang chịu áp lực về vấn đề khí thải và nhiều năm lợi nhuận yếu kém. Giờ đây, họ không muốn phải lùi bước.
Mike Wirth - CEO của Chevron, cho biết: “Có những thời điểm khó khăn, ví dụ như 2 năm trước, khi đó chúng tôi đã lỗ rất nhiều. Giờ đây, lợi nhuận tăng cao nhưng thời gian tốt đẹp lại không kéo dài.”
Đầu năm nay, Anh đã thông qua quy định về thuế áp lên lợi nhuận bất ngờ (windfall tax) đối với các nhà sản xuất dầu khí trong nước bao gồm BP và Shell để thu hồi một số khoản lợi nhuận bất thường. Thủ tướng Rishi Sunak cho biết ông đang nỗ lực “lấp đầu” khoản thiếu hụt ngân sách 35 tỷ bảng Anh (40,7 triệu USD).
Liên minh châu Âu (EU) cũng “bật đèn xanh” cho các quốc gia áp quy định thuế tương tự. Theo một phân tích của Boston Consulting Group, biện pháp này có thể giúp các chính phủ huy động tới 150 tỷ euro (149 tỷ USD) trong năm tới.
Trong khi đó, Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết đã đến lúc phải “dẹp bỏ các ‘chiến thuật’ làm tăng lợi nhuận và chuyển số tiền đó về với người dân” và “giá khí đốt không nên ở mức cao đến vậy”. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng, những quy định nghiêm ngặt về nhiên liệu sạch của California là nguyên nhân chính khiến bang này phải trả nhiều tiền hơn cho xăng dầu so với bất kỳ nơi nào trên khắp nước Mỹ.
Loại thuế mà châu Âu đang cân nhắc có hiệu quả hay không là câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời. Shell hiện vẫn chưa phải trả bất kỳ khoản thuế lợi nhuận nào ở Anh, dù lợi nhuận đạt kỷ lục trong năm nay khi hoạt động đầu tư vào khu vực Biển Bắc tăng lên. Quan trọng hơn, các chuyên gia ngành này cho biết những loại thuế như vậy có thể làm giảm giá trị đầu tư của các gã khổng lồ ngành dầu mỏ vào thời điểm mà họ cần nhất.
Exxon và Chevron đang đẩy mạnh sản lượng dầu và khí đốt ở lưu vực Permian, cả 2 đều cho biết sản lượng lọc dầu đã tăng mạnh trong quý III. Tuy nhiên, họ chưa khẳng định có thể giảm giá như thế nào trong ngắn hạn. Các dự án lớn nhất đều mất nhiều năm để lên kế hoạch và phát triển.
Tham khảo Bloomberg