Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt lần đầu năm 2007 với kế hoạch vận hành vào năm 2015. Sau đó liên tục vào các năm 2011, 2015, 2019, và 2023, dự án phê duyệt điều chỉnh lùi thời gian khai thác với cột mốc sau cùng là quý IV/2024.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 47.300 tỷ đồng (trong đó vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khoảng 38.265 tỷ đồng) và sau 5 lần xin lùi tiến độ, đến cuối năm 2024, dự án chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực thành phố Thủ Đức qua quận Bình Thạnh vào khu trung tâm quận 1. Khi khai thác sẽ giúp giao thông TPHCM giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.
Dự án có tổng chiều dài tuyến chính là 19,7 km; trong đó đoạn ngầm dài 2,6 km, xuyên qua khu trung thương mại và mua sắm lớn nhất ở trung tâm TPHCM. Đoạn trên cao dài 17,1km. Điểm đầu dự án tại Ga chợ Bến Thành, điểm cuối dự án là Ga Suối Tiên.
Tuyến có 14 Ga, trong đó, đoạn tuyến đi ngầm có 3 Ga (Ga Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ga Ba Son). Đoạn tuyến trên cao có 11 Ga bao gồm: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, khu Công nghệ cao, Đại học quốc Gia. Khu Depot (dịch vụ kỹ thuật) được đặt tại phường Long Bình, quận 9 với diện tích 26 ha.
Hệ thống Metro bao gồm 17 đoàn tàu, giai đoạn đầu thì mỗi tàu có 3 toa, ở giai đoạn sau thì sẽ là 6 toa. Vận tốc tối đa 110km/h đoạn trên cao và 80km/h đoạn đường hầm.
Về công nghệ xây dựng, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) - chủ đầu tư Metro số 1 cho biết, đường hầm và nhà ga được xây dựng bằng công nghệ đào hầm bằng robot khiên đào (TBM) với công nghệ giúp giảm thiểu tác động đến các công trình lân cận.
Đáng chú ý, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên được áp dụng số hóa (công nghệ BIM) vào quản lý, vận hành. Thực tế, công nghệ BIM vào quản lý, vận hành đường sắt đô thị đang được các nước phát triển áp dụng mạnh mẽ. Do đó, việc ứng dụng BIM sẽ giúp tuyến metro số 1 sẽ sánh ngang công nghệ với thế giới.
Để phục vụ suốt quá trình quản lý, vận hành, bảo dưỡng... các đơn vị sẽ phối hợp tiến hành thu thập thông tin trên toàn tuyến metro số 1. Từ đó, xây dựng mô hình 3D có thông tin công trình (BIM) và tích hợp mô hình thông tin công trình vào hệ thống thông tin địa lý (GIS). Từ đó, công nghệ BIM sẽ hướng đến tối ưu hóa hiệu quả khai thác tuyến.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, bên cạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng thì hệ thống công nghệ và ứng dụng liên quan về hệ thống vé điện tử, soát vé, mua và thanh toán, tra cứu lộ trình… cũng là hạng mục được đặc biệt chú trọng, với nhiều tiện ích cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý - có chất lượng tương đương hoặc thậm chí vượt trội hơn nhiều hệ thống tàu điện tại các quốc gia tiên tiến như Singapore, Nhật Bản, châu Âu…
Cùng với đó, người dân được trải nghiệm tiện ích mua vé không dùng tiền mặt tiên tiến, được đánh giá là vượt trội trên thế giới, do doanh nghiệp công nghệ Việt là Tập đoàn FPT đồng hành cung cấp.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã trở thành phương tiện lý tưởng để người dân và du khách trải nghiệm khám phá TPHCM. Với lộ trình đi qua nhiều điểm tham quan nổi bật, tuyến metro này mang đến hành trình du xuân mới mẻ, tiết kiệm thời gian và mở ra những trải nghiệm độc đáo về thành phố.