Sau 35 năm tư nhân hóa ngành nước, người dân Anh phẫn nộ vì đường thủy ô nhiễm và hóa đơn tăng cao, yêu cầu chính phủ quốc hữu hóa trở lại

Băng Băng | 14:24 15/10/2024

Khảo sát tháng 7/2024 cho thấy 80% người dân Anh ủng hộ việc quốc hữu hóa ngành cấp nước.

Sau 35 năm tư nhân hóa ngành nước, người dân Anh phẫn nộ vì đường thủy ô nhiễm và hóa đơn tăng cao, yêu cầu chính phủ quốc hữu hóa trở lại

Tờ New York Times (NYT) cho hay 10 công ty cấp nước ở Anh được tư nhân hóa vào năm 1989, bao gồm hãng cấp nước lớn nhất toàn quốc là Thames Water, đã trở thành mục tiêu chỉ trích của người dân khi đường thủy bị ô nhiễm còn hóa đơn tiền nước tăng cao.

Thậm chí người dân đang kêu gọi chính phủ quốc hữu hóa lại ngành nước để cứu lấy các hộ gia đình đang phải sống trong cảnh hóa đơn tiền nước tăng cao còn sông hồ thì ô nhiễm.

"Tư nhân hóa là một thảm họa, đặc biệt là trong ngành nước", ủy viên hội đồng thị trấn Henley miền tây thủ đô London, ông Jo Robb tức giận nói.

Sự bất bình của ông Robb là hoàn toàn có cơ sở khi sông Thames chảy qua thị trấn này đóng vai trò trung tâm văn hóa của địa phương với các cuộc đua thuyền hoàng gia hàng năm và là địa điểm tổ chức cuộc đua thuyền đầu tiên giữa hai trường Đại học Oxford lẫn Cambridge.

Bà Laura Reineke, một cư dân 51 tuổi tại Henley cho biết nước sông ngày càng độc bởi nấm trôi từ cống đổ vào. Dưới đáy sông là các sản phẩm vệ sinh cá nhân và chất thải. Gần đó, nhà máy xử lý nước thải Thames Water thậm chí còn xả thải thẳng vào con sông này.

Số liệu của tổ chức phi lợi nhuận Surfers Against Sewage cho thấy số người dân bị bệnh do ô nhiễm nguồn nước tại Anh đang ngày một tăng. Hơn 1.900 người dân đã báo cáo bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với nguồn nước sông Thames, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.

Thế nhưng đây chỉ là bề nổi khi còn vô số những trường hợp không được gửi cho nhóm thống kê.

Khủng hoảng lan rộng

Tờ NYT cho hay việc cơ sở hạ tầng xuống cấp, nguồn cung cấp nước không được đầu tư đúng mức đã tạo nên một cuộc khủng hoảng âm ỉ tại Anh suốt nhiều năm.

Giờ đây, người dân bắt đầu công khai đổ lỗi cho các doanh nghiệp cấp nước, vốn độc quyền kinh doanh trong khu vực và nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia. Chính điều này khiến các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích của người dân.

Cổ đông của các công ty cấp nước đã nhận được hàng tỷ bảng Anh tiền cổ tức kể từ khi tư nhân hóa nhưng không đưa đủ tiền trở lại hệ thống cấp nước khiến tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp này càng trầm trọng hơn.

Hậu quả là các công ty cấp nước không có đủ kinh phí để bảo trì hay nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời chi phí vận hành tăng cao do thiết bị xuống cấp và buộc người dân phải đóng thêm tiền để bù đắp.

Tháng 6/2024, Hội đồng thị trấn Henley đã yêu cầu quốc hữu hóa trở lại hãng cung cấp nước Thames Water, nơi đang phục vụ cho 16 triệu người dân. Theo Hội đồng, hiệu quả hoạt động của Thames Water là cực kỳ đáng lo ngại.

Công ty nước lớn nhất Anh này không chỉ chịu chỉ trích vì để ô nhiễm nguồn nước và làm tăng hóa đơn mà còn gánh khoản nợ 15 tỷ Bảng Anh, tương đương 20 tỷ USD. Phía thames Water cho biết họ sẽ hết tiền mặt vào tháng 5/2024 nếu không thể huy động thêm vốn từ chủ sở hữu.

Trớ trêu thay, các cổ đông của công ty, bao gồm một quỹ hưu trí của Canada, quỹ đầu tư quốc gia của Abu Dhabi và một chương trình hưu trí của Anh chỉ miễn cưỡng bơm vừa đủ tiền mặt để cứu Thames Water trong bối cảnh xung đột với các cơ quan quản lý về việc tăng hóa đơn tiền nước.

Tháng trước, Cơ quan quản lý dịch vụ nước của Anh (OFWAT) cho biết có thể phạt Thames Water 104 triệu Bảng, một con số kỷ lục, vì đổ nước thải chưa qua xử lý và gây hại cho môi trường. Nguyên nhân chính đến từ việc công ty không có tiền nâng cấp nhà máy xử lý nước thải.

Trường hợp của Thames Water chỉ là một trong vô số những vụ việc khác trên cả nước, đánh dấu cuộc khủng hoảng ngành nước khi sự tức giận lan rộng khắp các cộng đồng người dân, từ Windermere ở Lake District đến các bãi biển Brighton ở bờ biển phía nam.

Một yếu tố nữa khiến sự tức giận này ngày càng lên cao là hóa đơn tiền nước. Bình quân hóa đơn tiền nước tại Anh và xứ Wales là 441 Bảng/năm, cao hơn cả một số nước láng giềng Châu Âu như Pháp. Thậm chí OFWAT đã phải đề xuất tăng hóa đơn tiền nước lên trung bình 1/5 trong 5 năm tới để giải cứu các nhà máy nước đang ngập trong nợ nần và thiếu kinh phí.

"Người dân đang cảm thấy như bị lừa đảo khi những nhà máy nước tư nhân hóa dường như không hoạt động hiệu quả", thành viên Clive Lewis của Quốc hội cho biết.

Di sản 35 năm

Cách đây 35 năm, chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher được cho là đã vượt qua nhiều nước để tiên phong tư nhân hóa ngành nước. Nhiều doanh nghiệp và tài sản ngành cấp nước đã được chuyển giao cho các công ty trách nhiệm hữu hạn, đồng thời xóa được nợ công.

Số liệu của OFWAT cho thấy kể từ khi tư nhân hóa, các nhà máy cấp nước đã được đầu tư 130 tỷ Bảng để nâng cấp hệ thống nước sạch và xử lý nước thảu, cải thiện tình trạng rò rỉ cũng như giảm gián đoạn nguồn cung.

Tuy nhiên báo cáo của OFWAT cũng cho thấy các doanh nghiệp cấp nước đã nợ đến 64 tỷ Bảng Anh nhưng vẫn trả 53 tỷ Bảng tiền cổ tức cho cổ đông.

Thế nhưng, Phó giám đốc Stuart Colville của Water UK lại bác bỏ việc chi trả cổ tức cho cổ đông là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vốn. Thay vào đó, ông Colville cho rằng hóa đơn tiền nước quá thấp vì bị kìm kẹp bởi OFWAT mới là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng cung cầu thị trường.

Theo các nhà máy nước, việc tăng hóa đơn sẽ giúp họ tăng gấp đôi khoản đầu tư lên thành 105 tỷ Bảng trong 5 năm tới, qua đó xây dựng các hồ chứa mới và làm giảm ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, ông Colville cho rằng việc quốc hữu hóa ngành nước sẽ chẳng cải thiện tình hình vì chỉ làm gián đoạn nguồn vốn.

Bất chấp điều đó, cuộc thăm dò vào tháng 7/2024 cho thấy 80% người dân Anh đồng ý các công ty cấp nước nên được quốc hữu hóa.

Tuy nhiên, chính phủ Anh lại tuyên bố rằng họ không ủng hộ việc quốc hữu hóa ngành cấp nước do phải tiêu tốn hàng tỷ Bảng cùng nhiều năm thay đổi mô hình hiện tại. Trong quá trình đó, tình trạng ô nhiễm và hóa đơn tiền nước vẫn sẽ không được cải thiện, đồng thời ngăn chặn dòng vốn tư nhân chảy vào đây.

Ước tính của OFWAT cho thấy chính phủ cần bồi thường 99 tỷ Bảng cho cổ đông và các chủ nợ nếu quốc hữu hóa ngành nước và với tình hình ngân sách thâm hụt như hiện nay, kế hoạch này là hoàn toàn không khả thi.

Mặc dù vậy, người dân Anh vẫn đang kêu gọi chính phủ tìm giải pháp hơn là để mặc nguồn cấp nước cho các cổ đông, những người chỉ nhìn vào lợi nhuận.

*Nguồn: NYT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sau 35 năm tư nhân hóa ngành nước, người dân Anh phẫn nộ vì đường thủy ô nhiễm và hóa đơn tăng cao, yêu cầu chính phủ quốc hữu hóa trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO