Với thâm niên hơn 50 năm hoạt động cùng lợi thế về vùng nguyên liệu lớn, CTCP Traphaco (TRA) đang là doanh nghiệp số 1 về mảng đông dược tại Việt Nam. Năm 2022, đông dược tiếp tục là "con bò sữa" mang lại nguồn thu chính, khi đóng góp hơn 1.665 tỷ đồng, tương đương 63% doanh thu toàn Công ty. Hiện, với Đông dược Traphaco đã phát triển được danh mục những sản phẩm chủ lực, ổn định về hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, trong khi thị trường Đông dược bắt đầu gặp sự cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn thì Tân dược lại là con đường "mở" mà Traphaco có khả năng bước vào nhờ năng lực sản xuất, kinh nghiệm 50 năm và sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược Daewoong đến từ Hàn Quốc.
Từ năm 2021, Traphaco xây dựng kế hoạch tái cấu trúc với định hướng "Giữ vững vị thế số 1 Đông Dược - tập trung đầu tư phát triển Tân dược chất lượng cao" và được Đại hội cổ đông thường niên 2022 thông qua.
Theo Tổ chức IQVIA Institute, Việt Nam được xếp vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới. Trong đó, thuốc kê đơn được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh số của ngành, nhờ các yếu tố như nhu cầu chữa bệnh tăng cao, việc triển khai bảo hiểm y tế quốc gia, thu nhập tăng, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sự phát triển của thuốc gốc.
Doanh thu từ thuốc kê đơn dự kiến đạt 5,754 tỷ USD vào năm 2025, chiếm tỷ trọng đáng kể là 76,6% tổng doanh thu bán thuốc với CAGR là 8,4%. Tân dược theo đó đang là "mảnh đất" màu mỡ, đồng thời cũng được Traphaco xác định là "con gà đẻ trứng vàng" trong giai đoạn sắp tới.
Theo số liệu công bố mới nhất, năm 2022 doanh thu ngoài đông dược của Traphaco tăng 37%, triển khai được gần 20 sản phẩm mới.
Đến nay, nếu Đông dược có những sản phẩm chủ lực như Hoạt huyết dưỡng não, Boganic… thì theo lãnh đạo Traphaco, Tân dược cũng có sản phẩm chủ lực như nhóm thuốc ho mang về doanh số hơn 300 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông 2023 vừa qua, ông Chung Ji Kwang - Chủ tịch HĐQT Traphaco - cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2023. Trong đó, Công ty sẽ tận dụng cơ hội tăng trưởng, đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm Methorphan, Cebraton, Tottri, Antot… và triển khai các sản phẩm mới, đưa vào sản xuất và ra thị trường ít nhất 19 sản phẩm. Mục tiêu doanh số sản phẩm mới triển khai trong năm 2023 khoảng 36 tỷ đồng, doanh số các sản phẩm mới triển khai thị trường từ năm 2021 khoảng 170 tỷ đồng.
Tính đến quý 1/2023, hoạt động bán hàng Đông dược, ngoài Đông dược tăng trưởng cao hơn dự kiến với mức tăng lần lượt là 10 - 13%. Đồng thời, kế hoạch chia tách Đông dược – ngoài Đông dược cũng được thực hiện sớm hơn.
Những con số này tiếp nối đà tăng trưởng vượt bậc của Traphaco sau 2 năm tái cấu trúc quyết liệt. Nhìn lại giai đoạn 2019-2022, doanh thu Traphaco tăng trưởng đều đặn với tốc độ bình quân 12%/năm, đặc biệt từ năm 2021 doanh thu vượt lên mặt bằng mới hơn 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đặc biệt tăng trưởng mạnh với bình quân 21% mỗi năm.
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.600 tỷ, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 326 tỷ - tăng trưởng đến 21% so với năm 2022. Năm nay, Công ty nhấn mạnh sẽ hoàn thành doanh số năm các sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 1 với Daewoong; triển khai sản xuất 5 sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 1 theo kế hoạch bán hàng kênh OTC và ETC; thúc đẩy để có số đăng ký sớm cho các sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 2, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giai đoạn 3 với Daewoong…
Kế hoạch dài hơi cho 5 năm tới, Traphaco cho biết tiếp tục nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công hàng trăm sản phẩm mới, đem lại doanh thu ước tính 25 triệu USD (doanh thu tích lũy của các sản phẩm sau 5 năm triển khai thị trường).