Tính đến hiện tại, hầu hết các công ty bất động sản đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023. Nhìn chung, bức tranh kinh doanh của nhóm bất động sản – nhóm chịu “đau thương” nặng nhất năm qua – đang có sự phân hoá rõ rệt. Bên cạnh một số đơn vị thận trọng “cài số lùi”, thì nhiều công ty bắt đầu đề mục tiêu tăng trưởng trở lại.
Cổ phiếu trên thị trường cũng sớm phản ánh và có đợt hồi phục đáng kể với nhóm lên kế hoạch tăng trưởng dương. Dù vậy, đà tăng đã không được duy trì, chỉ mang tính thời điểm cho thấy tâm lý còn rất thận trọng khi thị trường còn nhiều khó khăn.
Và dù chỉ tiêu kinh doanh cao, song không ai dám “chắc ăn” sẽ đạt được.
Đơn cử, với những điểm sáng từ NOXH, năm 2023 Hoàng Quân (HQC) đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.700 tỷ đồng, tăng 410,2% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 140 tỷ đồng, tăng 644,7% so với thực hiện trong năm 2022.
Trong đó, doanh thu bất động sản sẽ là 650 tỷ đồng (dự án KĐT mới Trà Vinh ghi nhận 400 tỷ đồng; dự án HQC Tân Hương là 200 tỷ đồng; và dự án HOF-HQC Hồ Học Lãm là 50 tỷ đồng); doanh thu hợp tác đầu tư bất động sản là 1.050 tỷ đồng (200 tỷ đồng dự án KDC Bình Minh; 200 tỷ đồng dự án KCN Hàm Kiệm; 550 tỷ đồng dự án Golden City; và 100 tỷ đồng dự án KĐT mới Nam Phan Thiết).
Dù mọi tín hiệu tốt rõ ràng, song chính Chủ tịch cũng nhấn mạnh: “Hoàng Quân đã 8 năm liền không hoàn thành kế hoạch, và năm nay có khi cũng không hoàn thành”.
Kinh Bắc (KBC) đề mục tiêu lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 4.000 tỷ đồng, tăng 154% so với thực hiện trong năm 2022. Đây là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất của doanh nghiệp kể từ khi lên niêm yết năm 2009 tới nay.
Trong kế hoạch 2023 của KBC có nhắc đến 2 dự án tỷ USD gồm KCN Tràng Duệ 3 tại huyện An Lão (Hải Phòng) dự kiến hoàn thiện thủ tục phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư vào quý 3/2023 và Dự án Khu đô thị Tràng Cát tập trung san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đưa vào kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh.
Mới đây 2 dự án này vừa nhận "tối hậu thư" của UBND thành phố Hải Phòng sẽ thu hồi nếu không đúng thời hạn.
Vướng nhiều “lùm xùm”, DIC Corp (DIG) cũng là nhân tố được chú ý thời gian gần đây với mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 98% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.400 tỷ, tăng 604% so với năm 2022.
Năm qua, Công ty chưa hoàn thành kế hoạch tại các dự án lớn như Khu Nhà ở Lam Hạ Center Point, Khu Dân cư Thương mại Vị Thanh - Hậu Giang, 31ha - Đại Phước nhưng bị vướng mắc các thủ tục pháp lý nên chưa chuyển nhượng, chưa hạch toán doanh thu, hay dự án Khu Đô thị mới Nam Vĩnh Yên hoàn thành doanh thu 50,9%....
Các quy định liên quan đến bất động sản đang đồng loạt được điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc. Song, theo chuyên gia, nếu Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua và có hiệu lực thì cũng sẽ cần thêm thời gian cho ra đời các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Chưa kể, để các bên bắt kịp quy định mới, lại phải mất thêm thời gian.
Bên cạnh đó, dù Tổ công tác đặc biệt có nhiều động thái giúp gỡ khó cho thị trường nhưng bản thân họ cũng chưa đủ quyền hạn giải quyết nhiều việc do phải đối mặt với các vấn đề vượt thẩm quyền liên quan đến quy định của pháp luật. Do vậy, doanh nghiệp phải xác định khó khăn này là việc lâu dài chứ không thể giải quyết được ngay. Dự kiến, thị trường sẽ còn trầm lắng đến hết năm 2023.
Với những luận điểm trên, nhóm bất động sản không “giữ chân” dòng tiền được lâu, song cá biệt có mã QCG của Quốc Cường Gia Lai, liên tục kịch trần sau sự vụ Phước Kiển đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng, Công ty cũng chưa công bố chi tiết kế hoạch năm 2023.
Trở lại với bức tranh kinh doanh 2023, đề mục tiêu thận trọng có Đất Xanh Services (DXS), doanh thu năm 2023 dự kiến 3.800 tỷ - giảm 8% so với năm 2022. Song, lãi ròng ước chỉ đạt 126 tỷ đồng, giảm đến 62%. Theo DXS, mục tiêu lãi thấp do lo ngại các biến động bất thường của nền kinh tế toàn cầu và chính sách tác động trực tiếp đến môi trường ngành bất động sản.
Tương tự, Long Hậu (LHG) cũng lên mục tiêu lãi giảm 38% xuống còn 127 tỷ đồng, dù doanh thu theo kế hoạch tăng trưởng hai chữ số. Sự e dè của LHG chủ yếu xuất phát từ dự án trọng điểm là KCN Long Hậu 3 giai đoạn 1 đang bị chậm (tại khâu bồi thường giải phóng mặt bằng); song song việc đầu tư xây dựng các nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng Đà Nẵng cũng đang chậm so với tiến độ đề ra. LHG nhấn mạnh, vướng víu thủ tục pháp lý tại các dự án lớn sẽ gây thách thức rất lớn lên khả năng đầu tư năm 2023.
Cài số lùi còn có Vinaconex (VCG), Licogi14 (L14)…