Thông tin với báo chí, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Bùi Ngọc Lam cho biết theo Quyết định thanh tra số 411/QĐ-TTCP ngày 25/10/2022 của Tổng TTCP sẽ tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng một số Quỹ tài chính nhà nước ngoài Ngân sách Nhà nước thuộc các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông và UBND TP. Hà Nội, UBND TP.Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các Quỹ nằm trong danh sách thanh tra gồm: Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp: Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; Quỹ đầu tư phát triển TP. Hà Nội; Quỹ phát triển đất TP.Hà Nội; Quỹ phát triển đất TP.Hồ Chí Minh; Quỹ phát triển nhà ở TP.Hồ Chí Minh.
Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2017 đến đến 31/12/2021, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ trên. Thời gian thanh tra là 60 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra gồm 11 thành viên do ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II - TTCP) làm Trưởng đoàn.
Được biết, để công việc đạt hiệu quả, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đoàn thanh tra phải thực hiện nghiêm túc quy chế của đoàn, cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra; theo đúng đề cương kế hoạch thanh tra đã được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, TTCP cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị cử đầu mối phối hợp tốt với đoàn thanh tra trong việc cung cấp tài liệu, hồ sơ, tạo mọi điều kiện để đoàn hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất. Lưu ý trong quá trình thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra, đơn vị được thanh tra phải bảo mật thông tin.
Liên quan đến công tác thanh tra, mới đây, tại Báo cáo gửi Quốc Hội, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: Các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua, bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước... Tập trung kiểm tra, thanh tra, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
Về kết quả cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã triển khai 3.260 cuộc thanh tra hành chính và 80.723 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 31.025 tỷ đồng, 1.760 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thấm quyền xem xét xử lý 24.008 tỷ đồng, 1.116 ha đất; ban hành 65.857 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.501 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 132 vụ, 63 đối tượng.
Tính chung giai đoạn 2012-2022, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi số tiền hơn 461.000 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hơn 44.000 tập thể cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hơn 1.100 vụ và hơn 1.100 đối tượng, đồng thời đề xuất nhiều cơ chế chính sách pháp luật còn sơ hở, bất cập.