Được hình thành và phát triển từ hơn 200 năm trước, đến nay, làng nghề nước mắm Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã và đang khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường trong và ngoài nước bởi hương vị thơm ngon đặc trưng.
Hiện nay, nước mắm Phú Quốc không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà nước mắm Phú Quốc còn được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, một số nước Châu Á và được người dân các nước ưa thích.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tại hội thảo kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Thái Lan với sự tham dự của 45 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cùng 26 đơn vị thu mua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Group Thái Lan và các nhà nhập khẩu Thái Lan, các nhà mua hàng của Thái Lan rất thích thú với sản phẩm nước mắm Phú Quốc.
Sự kiện này đã ghi nhiều dấu ấn và kết quả ngạc nhiên khi chỉ 2 ngày đầu tiên tham gia, toàn bộ sản phẩm nước mắm Khải Nguyên (Phú Quốc) đã được bán hết.
Nước mắm Phú Quốc được người Thái ưa thích không chỉ vì hương vị đặc biệt, mà khách hàng ở đây còn rất ngạc nhiên bởi đến thời điểm này, Việt Nam vẫn giữ được sản phẩm tinh túy, truyền thống.
Từ năm 2002, Phú Quốc có 2 doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang thị trường EU và được người tiêu dùng nơi đây ưa chuộng. Những năm trước, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU 4% tổng sản lượng nước mắm Phú Quốc, năm 2013, lượng nước mắm xuất khẩu sang thị trường này chiếm 10-12% tổng sản lượng nước mắm Phú Quốc. Hiện nay, ngoài thị trường EU còn có thêm doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang thị trường Mỹ.
Năm 2012, nước mắm Phú Quốc vinh dự là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (gồm 28 nước thành viên) và cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU.
Sản phẩm này còn được công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc".
Không chỉ nước mắm Phú Quốc, nước mắm nói chung còn được người nước ngoài cực kì ưa thích. Chris Dwyer của CNN gọi nước mắm là nguyên liệu ẩm thực không thể thay thế, ngang tầm với dầu ô liu và xì dầu.
Đầu bếp người Tây Ban Nha Bruno Anon dẫn chương trình ẩm thực tại Regent Resort Phú Quốc và là một tín đồ của nước mắm. Ông từng chia sẻ: “Nước mắm là quốc hồn, quốc túy của người Việt Nam, là thứ làm nên nét riêng biệt cho nền ẩm thực nước nhà so với phần còn lại của thế giới. Trong mỗi bữa ăn của người Việt, một chiếc bát nhỏ là niềm tự hào, là thứ nước chấm gắn kết mọi thứ trên bàn ăn".
Sản phẩm xuất khẩu triệu USD
Năm 2021, Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất của nước mắm Việt Nam với doanh số ước tính đạt 5,9 triệu USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch và có tỷ lệ tăng trưởng 42% so với năm 2020. Chỉ riêng doanh nghiệp xuất khẩu có giá trị xuất khẩu hàng đầu đã chiếm hơn 40% thị trường này. Sản phẩm nước mắm xuất khẩu được ưa chuộng tại Mỹ phần lớn vẫn là loại nước mắm có hương vị truyền thống, có độ đạm cao nhưng không quá nặng mùi cá.
Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai của nước mắm Việt Nam với doanh số đạt hơn 4 triệu USD trong năm 2021, chiếm 14,1% tổng kim ngạch. Thị trường này đạt mức tăng trưởng cao thứ hai trong năm, xếp sau Đài Loan. Phần lớn nước mắm sau khi được nhập khẩu sẽ tiếp tục được sử dụng để làm phụ gia trong sản xuất các loại thực phẩm khác, bao gồm cả thực phẩm chức năng.
Giá trị xuất khẩu nước mắm vào thị trường Đài Loan đạt gần 3,1 triệu USD, chiếm khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu. Đây là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2021 với tỷ lệ 86%.
Các thị trường khác như Trung Quốc, Campuchia, Hong Kong và Hà Lan cũng có giá trị xuất khẩu nước mắm tăng trưởng tốt trong năm 2021, trung bình đến 30 – 40%. Thị trường châu Âu – nhất là các nước có đông người Việt như Nga, Pháp và Đức – nhập khoảng 2,2 triệu USD, chiếm 7,9 tổng kim ngạch và có tỷ lệ tăng trưởng 14%. Tuy đạt kim ngạch 2,7 triệu USD, nhưng quy mô của thị trường Thái Lan sụt giảm 24%.