Sản lượng top 3 thế giới vẫn nhập khẩu hàng triệu tấn gạo khiến nông dân hoang mang, quốc gia này đang toan tính điều gì?

Vũ Ngọc Diệp | 06:30 27/06/2023

Chính phủ Indonesia có kế hoạch nhập khẩu 1 triệu tấn gạo Ấn Độ trong tình trạng "khẩn cấp", bất chấp Indonesia là một trong những nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới. Chính phủ nước này cho biết đó là một quyết định "cần thiết" để đảm bảo cung cấp đủ gạo.

Sản lượng top 3 thế giới vẫn nhập khẩu hàng triệu tấn gạo khiến nông dân hoang mang, quốc gia này đang toan tính điều gì?

Một cuộc tranh luận đang diễn ra ở quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ gạo thuộc hàng cao nhất thế giới này. Trong khi nông dân Indonesia đặt câu hỏi về quyết định này thì các chuyên gia cho biết có thể có những cách khác để đảm bảo dự trữ gạo của đất nước.

Đáng chú ý là chính Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Zulkifli Hasan, khẳng định sự cần thiết phải nhập khẩu gạo, mặc dù thừa nhận nhận rằng việc nhập khẩu gạo thường bị nông dân địa phương phản đối. Hồi cuối tháng 5, ông Zulkifli đã phản đối việc nhập khẩu tỏi bất chấp những lời kêu gọi từ Cơ quan Lương thực Quốc gia nhằm giảm giá tới, và nói rằng đất nước nên giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu để ủng hộ các nhà sản xuất địa phương.

Tại sao Indonesia nhập khẩu gạo?

Giá gạo ở Indonesia thường tăng trong các mùa lễ tôn giáo, chẳng hạn như Eid.

Ông Zulkifli Hasan hồi đầu tháng này cho biết thỏa thuận với Ấn Độ được đưa ra để lường trước nguy cơ El Niño có thể gây tác động khiến mùa khô ở Indonesia kéo dài hơn và ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo trong nước.

Bộ trưởng cũng nói rằng gạo là cần thiết vì lượng gạo dự trữ của chính phủ đang "giảm dần", mà theo Cơ quan Lương thực Quốc gia, chỉ ở mức 220.000 tấn.

Ông Hasan nói với các phóng viên: “Mặc dù rất khó khăn, vì tôi vốn không ủng hộ việc nhập khẩu, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác”.

Tuy nhiên, nông dân nước này đã đặt câu hỏi về sự cần thiết phải nhập khẩu quá nhiều gạo.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Indonesia là nước sản xuất gạo lớn thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng quốc gia này tiêu thụ hầu hết lượng gạo mà họ trồng được. Năm 2022, Indonesia sản xuất 31,52 triệu tấn gạo, dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thống kê Indonesia công bố vào tháng 3 cho thấy.

Chỉ một lượng nhỏ gạo chất lượng tốt được xuất khẩu. Các chuyên gia cho biết việc xuất khẩu đó không phải là nguyên nhân khiến họ rơi vào tình trạng thiếu gạo dự trữ tại địa phương.

Ronnie S Natawidjaja, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lương thực Bền vững tại Đại học Padjajaran, cho biết lý tưởng nhất là Indonesia nên có lượng gạo dự trữ ít nhất từ 1 triệu đến 1,5 triệu tấn.

Tiến sĩ Natawidjaja cho biết: “Có dự trữ là điều bắt buộc… để ngăn chặn các nhà đầu cơ thao túng giá gạo và đầu cơ”.

"Nhưng đây là phần gây tranh cãi: tại sao phải đảm bảo nguồn hàng bằng cách nhập khẩu?

"Bởi vì, trên thực tế, tổng sản lượng của chúng tôi vẫn còn thặng dư một chút [trong kho]", ông Natawidjaja nói.

Nông dân nghĩ gì về việc nhập khẩu gạo?

Chính phủ Indonesia cho biết lý do nhập khẩu gạo là để chuẩn bị trong trường hợp El Niño làm gián đoạn sản xuất.

Năm 2022, Indonesia nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan. Năm nay, Biên bản ghi nhớ mà Indonesia đã ký với Ấn Độ vào tháng 6 cho phép họ nhập khẩu thêm 1 triệu tấn, ngoài hạn ngạch 2 triệu tấn.

Trong khi chính phủ Indonesia nhấn mạnh thỏa thuận với Ấn Độ chỉ dành cho các tình huống "khẩn cấp", nhiều nông dân không hiểu lý do hành động của chính phủ.

Henry Saragih, Chủ tịch Hội Nông dân Indonesia, nói: “Việc [có thể] nhập khẩu 2 triệu tấn gạo cũng không cần thiết và không khẩn cấp vì trên thực tế, sản lượng quốc gia của chúng tôi đã đủ”.

"[Ngoài ra,] El Niño chỉ xảy ra từ giữa tháng 6 đến tháng 8, trong khi vụ gieo cấy thứ nhất và thứ hai đã trôi qua. Tháng 6 này chúng tôi đã thu hoạch lúa rồi."

Ông Saragih cho biết nông dân lo ngại rằng nếu Indonesia tiếp tục nhập khẩu gạo, điều này sẽ làm giảm giá gạo của nông dân, mặc dù giá gạo tại các siêu thị vẫn ở mức cao.

Mức tiêu thụ gạo ở Indonesia cao như thế nào?

Nhiều món ăn Indonesia được làm từ cơm, bao gồm "nasi kuning" hoặc cơm vàng ăn với thịt gà và trứng.

Gạo là lương thực chính trong chế độ ăn uống của người Indonesia và thậm chí còn trở nên nổi bật hơn ở nước này trong kỷ nguyên "trật tự mới" dưới thời cựu Tổng thống Suharto.

Khi còn nắm quyền, ông đã ra lệnh trồng lúa ở mọi vùng của Indonesia, mặc dù thực tế là người dân ở các vùng khác nhau của Indonesia dựa vào các loại lương thực khác nhau để cung cấp năng lượng.

Chính phủ của ông đã thực hiện một chiến lược để tăng sản lượng lúa gạo, hy vọng rằng Indonesia sẽ tự cung tự cấp.

Ngày nay, mức tiêu thụ gạo ở Indonesia là một trong những mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cao nhất thế giới, là 114,6 kg/người/năm, theo số liệu công bố năm ngoái của Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia.

Ở nhiều nền văn hóa Indonesia, cơm được ăn ba lần một ngày, hầu như trong tất cả các bữa ăn. Họ có thể ăn sản phẩm từ gạo ngay từ bữa sáng, với nasi goreng (cơm chiên) và bubur ayam (cháo gà).

Nasi goreng, hay cơm chiên, là một trong những món ăn phổ biến nhất ở Indonesia, được phục vụ bởi các nhà hàng cũng như những người bán hàng rong.

Giải pháp nào cho tình trạng thiếu gạo?

Để tăng sản lượng lúa gạo, ông Saragih cho biết nông dân phải được hỗ trợ phát triển nền "nông nghiệp sinh thái" sử dụng phân bón hữu cơ.

Ông nói, đa dạng hóa lương thực cũng sẽ mang lại lợi ích cho nông dân vì họ có thể trồng xen những cây lương thực khác.

“Có dấu vết lịch sử cho thấy người dân Indonesia đã từng tiêu thụ nhiều cao lương, sắn, khoai sọ nên tôi nghĩ cần khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất những cây đó”, ông Saragih nói.

Trong một động thái được nông dân hoan nghênh, Tổng thống Joko Widodo đã hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón hữu cơ để giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm hóa học.

Tiến sĩ Natawidjaja cũng cho biết đất nước Indonesia nên tìm cách phát triển các sản phẩm thực phẩm khác.

Ông nói: “Chúng ta cần xem xét nghiêm túc việc đa dạng hóa thực phẩm, bởi vì năng lượng có thể được lấy từ khoai tây, lúa mì và các nguồn khác.

Ông hoan nghênh chiến lược của Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia, theo đó chia Indonesia thành 5 tiểu vùng cho hệ thống lương thực.

"Sẽ có các trung tâm thực phẩm ở mỗi tiểu vùng, nơi họ quản lý thực phẩm địa phương của riêng mình, vì vậy sự khác biệt về văn hóa cũng như sự khác biệt về địa lý và khí hậu sẽ được giải quyết tại địa phương.

“Và đó sẽ là ‘bài tập về nhà’ của Tổng thống tiếp theo,” ông nói, ám chỉ cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Indonesia vào đầu năm tới.

Theo ABC


(0) Bình luận
Sản lượng top 3 thế giới vẫn nhập khẩu hàng triệu tấn gạo khiến nông dân hoang mang, quốc gia này đang toan tính điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO