Sân golf nơi 21 golfer đánh bạc đang bị khởi tố: Từng được rao bán "đại hạ giá" nhiều lần để xử lý nợ quá hạn

Trọng Nghĩa | 14:09 29/03/2023

Sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) đang được nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây do liên quan sự việc nhóm golfer bắt giữ vì hành vi đánh bạc. Sân golf này từng được rao bán nhiều lần để xử lý nợ quá hạn của Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD).

Sân golf nơi 21 golfer đánh bạc đang bị khởi tố: Từng được rao bán "đại hạ giá" nhiều lần để xử lý nợ quá hạn

Sân golf Đầm Vạc có diện tích 90 ha, gồm vòng golf 18 lỗ cùng nhiều hạng mục công trình phục vụ người chơi. Hiện nay, sân golf Đầm Vạc thuộc Công ty CP Khu nghỉ dưỡng và Sân golf Đầm Vạc. 

Tuy nhiên, trong quá khứ, CUD chính là chủ đầu tư ban đầu của Sân Golf Đầm Vạc. Tuy nhiên, dự án của CUD thuộc diện phải chia tách hoạt động sân golf độc lập với khu đô thị theo Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/11/2009.

Vì vậy, CUD đã dùng các tài sản là sân golf góp vốn vào pháp nhân mới là Công ty cổ phần Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc. Đây cũng chính là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành sân golf.

Về CUD, sau khi gặp tình trạng kinh doanh thua lỗ và không thể hoàn trả các nghĩa vụ nợ tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), công ty đã bị ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là toàn bộ tài sản gắn liền với đất, đã, đang hoặc sẽ hình thành liên quan đến đất, bao gồm sân golf, công trình câu lạc bộ, công trình khách sạn 5 sao, hệ thống giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, khu bảo dưỡng sân golf, các công trình phụ trợ khác...

Tổng diện tích đất toàn bộ khu vực nêu trên là 503.200 m2 thuộc quyền sử dụng của CUD tại địa chỉ xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với thời hạn đến ngày 3/2/2054. Trong đó, Sân golf Đầm Vạc cũng là một phần tài sản được CUD thế chấp cho nghĩa vụ nợ tại Oceanbank.

Năm 2022, OceanBank nhiều lần thông báo bán đấu giá khoản nợ của CUD để thu hồi nợ nhưng bất thành, mặc dù đã liên tục "đại hạ giá". Lần cuối cùng (và là lần thứ 7) OceanBank thông báo về đấu giá khoản nợ xấu nêu trên vào tháng 9/2022 và mức giá khởi điểm đưa ra là hơn 658 tỷ đồng, giảm hơn 150 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên hồi tháng 3.

Phía ngân hàng cho biết, khoản nợ xấu của CUD tính đến tháng 4/2022 lên tới 807 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là hơn 229 tỷ đồng và tổng lãi, phạt là 578 tỷ đồng).

Một vướng mắc trong vấn đề giải quyết tài sản bảo đảm của CUD là khi các cổ đông cùng thoả thuận thành lập pháp nhân mới để quản lý khai thác phần sân golf theo hướng dẫn của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì phát sinh ra vấn đề hoán đổi cổ phần tại CUD sang cổ phần của công ty mới thành lập.

Việc hoán đổi cổ phần này đã phát sinh một khoản công nợ phải thu từ các cổ đông hoán đổi chuyển sang cổ đông Công ty Sân golf, với số tiền 276,7 tỷ đồng.

Đề cập thông tin nêu trên, phía đại diện OceanBank cho rằng, CUD đã mang toàn bộ tài sản thế chấp góp vốn vào doanh nghiệp mới thành lầp để quản lý sân Golf và đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần góp vốn của mình tại doanh nghiệp mới cho các tổ chức, cá nhân khác. Đây là vi phạm của CUD trong thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp, OceanBank cho biết.

"Ngân hàng đã yêu cầu CUD trả lại nguyên trạng tài sản thế chấp nhưng công ty vẫn chưa thực hiện được", OceanBank viết rõ trong thông báo hồi tháng 9/2022.

Được biết, CUD thành lập ngày 16/4/2004, có trụ sở chính ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Hiện nay, vốn điều lệ của CUD ở mức 110 tỷ đồng.


(0) Bình luận
Sân golf nơi 21 golfer đánh bạc đang bị khởi tố: Từng được rao bán "đại hạ giá" nhiều lần để xử lý nợ quá hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO