Những ngày qua, thị trường xôn xao thông tin Công ty PouYuen Việt Nam - công ty da giày lớn nhất cả nước với quy mô lao động lớn nhất tại TP. HCM sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động (khi hợp đồng lao động hết hạn) với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 năm.
Tuy nhiên, ngày 21/2, đại diện các doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn Pou Chen đóng tại Đồng Nai (Công ty Pouchen Việt Nam và Công ty Pousung Việt Nam) cho biết việc sản xuất, kinh doanh của DN cơ bản ổn định, trong ngắn hạn DN chưa có kế hoạch cắt giảm lao động.
PouYuen - Samsung của ngành giày da Việt Nam
Theo tìm hiểu, PouYuen là một công ty con thuộc Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan, Trung Quốc), tập đoàn Pou Chen hiện nay là nhà sản xuất giày dép thể thao cho các công ty có thương hiệu quốc tế như Nike, Adidas, New Balance, Timberland và Salomon với công suất hơn 300 triệu đôi giày mỗi năm, chiếm khoảng 20% tổng giá trị bán buôn của thị trường giày dép thể thao toàn cầu.
Pou Chen Group có hệ thống hàng chục công ty con sản xuất, gia công giày dép, túi xách tại Việt Nam bao gồm PouYuen (TP.HCM); PouHung, PouLi (Tây Ninh); PouChen, PouSung (Đồng Nai), Dụ Đức Việt Nam (Tiền Giang)... Các doanh nghiệp này có quy mô hàng chục ngàn lao động và đang lấn lướt các doanh nghiệp nội địa trong sản xuất giày dép xuất khẩu.
Với quy mô này, PouYuen được ví như "Samsung" trong ngành da giày Việt Nam.
Động thái cắt giảm giờ làm của PouYuen diễn ra trong bối cảnh ngành giày dép xuất khẩu của Việt Nam suy yếu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, xuất khẩu giày dép giảm 484 triệu USD so với tháng 12/2022, chiếm tỷ trọng thấp nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu chính.
PouYuen Việt Nam: Doanh thu hơn 1 tỷ USD, có lượng nhân viên ngang với một KCN
Với quy mô sản xuất lớn, Pouchen Việt Nam hiện sở hữu hơn 130.000 lao động tại 8 nhà máy gồm PouYuen ở TP HCM; Pouchen, Pousung, Pou Phong tại Đồng Nai; Dụ Đức tại Tiền Giang; Pou Hung, Pou Li tại Tây Ninh và Prime Asia ở Bà Rịa - Vũng Tàu, là tập đoàn có nhiều công nhân nhất nước.
Trước bối cảnh Covid-19, KQKD của hệ thống này cũng không khỏi bị tác động. Hầu như các đơn vị trong hệ thống Pouchen Việt Nam năm 2020 đều bị sụt giảm doanh thu. Tổng doanh thu của các công ty da giày trực thuộc Pou Chen tại Việt Nam đạt 59.500 tỷ đồng năm 2019, và đến năm 2020 còn 51.700 tỷ đồng.
Riêng PouYuen, trước khi tiến tới cắt giảm lao động, kết quả kinh doanh của PouYuen ghi nhận sự xuống dốc trầm trọng, mỗi năm báo lỗ cả nghìn tỷ; đồng thời bị Tổng cục Hải quan đình chỉ loạt ưu đãi.
Theo báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính, trong hai năm 2020-2021, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đều lỗ sau thuế, số lỗ năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2020, số lỗ của doanh nghiệp này là hơn 800 tỷ đồng. Năm 2021, số lỗ của doanh nghiệp này tăng lên hơn 1.100 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm PouYuen đều đặn đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD. Năm 2021 là lần đầu tiên PouYuen đánh mất mốc doanh thu này, còn hơn 19.900 tỷ.
Không chỉ kinh doanh sa sút, "Samsung" của ngành giày da VN lại vừa đón nhận thêm một thông tin tiêu cực. Tổng cục Hải quan vừa ban hành quyết định đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên đối với Công ty TNHH Pouchen Việt Nam do doanh nghiệp này không còn đáp ứng được "chương trình doanh nghiệp ưu tiên". Tức, PouYuen sẽ không còn được ưu đãi hàng loạt chính sách về thủ tục hải quan.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, nguyên nhân khiến Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam bị Tổng cục Hải quan đình chỉ tư cách doanh nghiệp ưu tiên xuất phát từ việc doanh nghiêp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam đã cung cấp các tài liệu, chứng từ để chứng minh xuất xứ hàng hóa không đúng sự thật với cơ quan chức năng. Các lô xuất khẩu không đạt tiêu chí xuất xứ của Việt Nam.
PouYuen hiện có 50.563 công nhân và là doanh nghiệp có đông lao động nhất TPHCM hiện nay. Công nhân PouYuen đến từ các tỉnh như Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh... Hằng ngày, xe đưa đón của công ty chở các công nhân này lên TP.HCM làm việc, sau đó hết giờ làm việc chở về.
Cơn ‘bĩ cực’ của doanh nghiệp xuất khẩu da giày
Tổng hợp báo cáo từ các công đoàn địa phương, ngành, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) thông tin, năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể. Trong đó, da giầy là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất với 109 doanh nghiệp (chiếm 8,82%).
Lý giải một phần nguyên nhân khiến cho các DN da giày rơi vào cảnh khốn đốn, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày Tp.HCM (SLA), cho rằng da giày xuất khẩu (XK) chủ yếu vào thị trường EU, rồi mới đến thị trường Mỹ. Trong khi đó, đơn hàng XK da giày vào EU thời gian qua có sự sụt giảm do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như lạm phát tăng cao.
Ngoài ra, theo ông Khánh, thông thường các đơn hàng XK da giày sẽ được phía DN ký dài hạn khoảng 6 tháng. Thế nhưng gần đây khi ký hợp đồng ngắn hạn thì các DN đối mặt áp lực thời gian giao hàng tăng lên vì phía đối tác có yêu cầu phải giao hàng sớm, đúng ngày.
Nhận định về tình hình xuất khẩu năm 2023, Hiệp hội Da giầy – túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng từ quý 4/2022 những ngành xuất khẩu, trong đó có da giầy, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới.
Cụ thể, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giầy.
Dự kiến phải đến hết quý 2/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng cũng như lao động của ngành da giầy. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành.