Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; HoSE: STB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023, ghi nhận tình hình kinh doanh tăng trưởng khả quan, với lợi nhuận sau thuế tăng 35% so với cùng kỳ, đạt 1.634 tỷ đồng.
Theo báo cáo, Sacombank ghi nhận thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi của nhà băng này trong quý 3/2023 đạt 4.851 tỷ đồng, giảm 15,8% so với cùng kỳ.
Mặc dù, thu nhập từ việc cho vay khách hàng đạt 13.651 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Thế nhưng, chi phí mà Sacombank phải trả lãi tiền gửi khách hàng lại tăng hơn 80% so với cùng kỳ, lên mức 8.800 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần suy giảm mạnh.
Trong kỳ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đem về cho Sacombank 299 tỷ đồng (tăng 36,5%), hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng đem về 16 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2,2 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, hoạt động dịch vụ đem về 719 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sacombank đạt 2.911 tỷ đồng, giảm 26,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong quý 3/2023, Sacombank chỉ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 826 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ (tương ứng gần 1.600 tỷ đồng).
Kết quả, Sacombank báo lãi trước thuế 2.085 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Sacombank ghi nhận tăng trưởng hơn 48% so với cùng kỳ, đạt 16.439 tỷ đồng. Trong khi, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này là 3.144 tỷ đồng, giảm hơn 43% so với cùng kỳ (tương ứng hơn 2.400 tỷ đồng). Kết quả, Sacombank ghi nhận lãi sau thuế 5.459 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Sacombank là 651.288 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12% so với cùng kỳ, lên 472.073 tỷ đồng. Tuy nhiên, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này lại âm tới 6.670 tỷ đồng, tăng hơn 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng nợ xấu của Sacombank tăng hơn 174% so với kỳ, lên mức 10.387 tỷ đồng. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 2.961 tỷ đồng, tăng 556% so với cùng kỳ; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 3.198 tỷ đồng, tăng 453% so với cùng kỳ; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 4.227 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của Sacombank cũng tăng hơn 112% so với cùng kỳ, lên mức 3.365 tỷ đồng. Tuy chưa được xếp vào nợ xấu nhưng việc Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của nhà băng này đang ở mức cao.
Chất lượng nợ vay trong 9 tháng đầu năm 2023 của Sacombank có phần đi lùi, khi tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 0,9% vào quý 3/2022 tăng lên 2,2% vào cuối tháng 9/2023.
Tuy nhiên, trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của Sacombank vào cuối tháng 9/2023 là - 6.670 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Như vậy, có thể thấy khả năng phòng thủ của nhà băng này trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu đang rất thấp.
Trên thị trường chứng khoán, mở cửa phiên sáng 13/11, giá cổ phiếu STB ở mức 29.500 đồng. Tính từ đầu năm, giá cố phiếu STB đã tăng trưởng 21,4%, tương ứng 5.200 đồng/cổ phiếu.