Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ xấu nội bảng của Sacombank là 4.299 tỷ đồng, giảm 1.533 tỷ so với cuối năm 2021. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh 1.520 tỷ xuống còn 3.007 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Sacombank từ 1,5% xuống 0,98%. Đây cũng là năm đầu tiên Sacombank đưa được tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% sau 7 năm sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.
Sacombank cho biết, trong số dư nợ có khả năng mất vốn có một số khoản cho vay với tổng dư nợ là 46,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1.689 tỷ (2021), đang được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dựa trên năng lực tài chính theo Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập và các kiến nghị của Ngân hàng tại Đề án cơ cấu và trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt.
Về nợ xấu tại VAMC, Sacombank cũng đang tiến dần đến việc tất toán số trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu này do VAMC phát hành nhằm mục đích mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng, có thời hạn từ 5-10 năm, lãi suất 0%. Cuối năm 2022, mệnh giá trái phiếu đặc biệt mà Sacombank nắm giữ là 21.514 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, Sacombank đã trích lập dự phòng 14.639 tỷ đồng, tăng thêm hơn 8.600 tỷ trong năm 2022.
Báo cáo cũng cho thấy, Sacombank đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ và thanh lý tài sản, giúp lãi thuần từ hoạt động khác tăng gấp 6 lần lên 2.745 tỷ đồng.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021, không thay đổi so với báo cáo trước kiểm toán. Lãi sau thuế của ngân hàng đạt 5.040 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản Sacombank đạt 491.907 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 438.627 tỷ, tăng 13%. Tiền gửi khách hàng đạt 454.740 tỷ đồng, tăng 6,4%.