Rũ bỏ tư duy "vay tiền hay dùng thẻ tín dụng mua quà cho người yêu là chuyện bình thường"

Ngọc Linh | 08:00 21/03/2024

Việc thành thật thu nhập, có mục tiêu chung trong tài chính là điều quan trọng trong các mối quan hệ.

Rũ bỏ tư duy "vay tiền hay dùng thẻ tín dụng mua quà cho người yêu là chuyện bình thường"

Các chủ đề về tài chính, tiền nong trong các mối quan hệ là điều khiến nhiều người trẻ đau đầu. Nhiều người thừa nhận không phải ai cũng biết cách quản lý tài chính, hay ứng xử với chủ đề tiền nong một cách thông minh để mối quan hệ trở nên tích cực. 

Cách đây gần 1 năm, Thành Hưng (29 tuổi) và Linh Trang (27 tuổi) quyết định dọn về sống chung. Ở thời điểm ấy, cặp đôi này hoàn toàn chưa nghĩ tới chuyện kết hôn, quyết định "góp gạo thổi cơm chung" được đưa ra với lý do chính là để tiết kiệm chi phí thuê nhà.

"Lúc đó, tiền nhà cùng tiền dịch vụ hàng tháng của mình rơi vào khoảng 4,5 triệu; còn của Hưng thì tầm 4 - 4,2 triệu. Nếu ở chung, với số tiền đó thì cũng thuê được 1 căn chung cư 2 phòng ngủ, rộng rãi, khang trang hơn hẳn phòng trọ rồi. Suy nghĩ, bàn bạc khoảng 2 tuần, chúng mình quyết định dọn về sống chung".

Trang chia sẻ và ví von quyết định này như tìm ra “chân lý” vì nhờ nó, cả hai đã nhận ra nhiều bài học về tài chính. 

Phải quan tâm đến thu nhập của đối phương, rũ bỏ tư duy vay tiền hay dùng thẻ tín dụng mua quà là chuyện thường

Trước khi sống chung và cả trước khi quen Hưng, Trang là kiểu người không bao giờ chần chừ trong việc chi tiền cho người yêu của mình, cũng chẳng bao giờ chủ động chia sẻ chuyện thu nhập với đối phương và ngược lại.

1709800488-afd088e2-e24e-4643-a74d-513e59b95183_face_image.jpeg
Thành Hưng và Linh Trang

"Hồi mới đi làm, lương mình còn chưa nổi 10 triệu nhưng mình đã dành hẳn 3 triệu để mua một đôi giày tặng người yêu khi ấy, bây giờ đã là người yêu cũ. Mình luôn nghĩ là mình phải đầu tư quà cáp cho đối phương vào những dịp đặc biệt, dù có phải vay tiền bạn bè hay quẹt thẻ tín dụng đi chăng nữa. Cho đến khoảng thời gian đầu mới sống chung, mình vẫn giữ lối tư duy đó. Và Hưng chính là người bạn trai đầu tiên hỏi mình "Lương em bao nhiêu mà tặng anh quà đắt tiền vậy trời!".

Đến tận lúc ấy mình mới ngờ ngợ nhận ra hỏi đối phương về thu nhập của họ không phải là thực dụng, mà là biểu hiện của sự quan tâm" - Trang vừa cười vừa kể lại.

Xét về khía cạnh tài chính, Hưng là người bạn trai đầu tiên có khả năng giúp Trang rũ bỏ tư duy "vay tiền hay dùng thẻ tín dụng để tặng quà người yêu là chuyện bình thường".

"Món quà đắt nhất mà Trang tặng mình là một chiếc laptop. Lúc đó mình cũng hơi bí tiền nên quyết định trả góp laptop cho Trang trong vòng 5 tháng, chứ cũng không trả hết ngay được dù Trang không đòi. Mình làm thế không phải vì sĩ diện, đơn thuần là vì mình không muốn yêu đương vào mà một trong hai người, hoặc cả hai phải nhịn ăn, nhịn tiêu, thậm chí là mắc nợ" - Hưng khẳng định.

Sau lần ấy, Hưng và Trang mới nghiêm túc, thành thật với đối phương về thu nhập cũng như những khoản nợ nho nhỏ của mình.

Giúp nhau trả nợ, cùng nhau tiết kiệm với tôn chỉ "không chung đụng tiền nong"

Góp gạo thổi cơm chung đến tháng thứ 3, tình hình tài chính của Trang và Hưng mới bắt đầu "vào guồng".

"Sau khi thành thật với nhau về thu nhập cũng như các khoản nợ, chúng mình mới có thứ gọi là kế hoạch chi tiêu hàng tháng. Còn trước đó, ngoài tiền thuê nhà là mỗi đứa góp một nửa, thì chúng mình chi tiêu chẳng có kế hoạch gì, cứ mạnh ai nấy sắm" - Trang kể.

Sống chung và chưa có dự định sẽ kết hôn nên cả Trang và Hưng đều thống nhất: Tiền ai người ấy tiết kiệm, nợ của ai người đó tự trả, tuyệt đối không chung đụng tiền nong.

quan-ly-chi-tieu-chung(1).png
Cách Hưng và Trang phân bổ thu nhập hàng tháng để góp gạo thổi cơm chung

Hưng cho biết: "25% thu nhập của mình sẽ dùng để trang trải chi phí thuê nhà và tiền dịch vụ, 10% dùng để mua sắm đồ dùng chung trong nhà (nước rửa bát, nước giặt,...), 20% dùng để lo tiền ăn uống hoặc đi chơi, số còn lại mình dùng để tiết kiệm và đầu tư hoặc chi tiêu cá nhân".

Với Trang thì con số tương đương là 30% thu nhập dùng để thuê nhà và tiền dịch vụ, 20% dùng để lo tiền ăn uống hàng ngày, 30% dùng để trả nợ, 20% gửi tiết kiệm.

"Sau 6 tháng áp dụng cách quản lý chi tiêu này, mình đã trả hết nợ rồi. Suốt nửa năm ấy, Hưng quản mình chặt lắm, không cho mình mua sắm gì cả. Thậm chí đồ skincare của mình hết, Hưng mua tặng mình chứ không để mình tự mua vì muốn mình tập trung trả nợ cho xong" - Trang kể với một nụ cười tươi rói, cũng không ngại tiết lộ Hưng là người quản lý tài chính kể từ khi cả hai thống nhất kế hoạch chi tiêu.

Nghe đến đây, nhiều người có thể cảm thấy cô Trang này sao mà… "đoảng" quá, là phụ nữ mà quản lý tiền nong chẳng giỏi bằng đàn ông. Chính bản thân cũng thừa nhận sự thật này, nhưng thay vì tự ti, cô coi đó là động lực.

"Con người ai mà không có khuyết điểm, miễn sao mình nhận thấy điểm yếu của bản thân và có tư duy cầu tiến là được" - Trang chia sẻ

Nghe bạn gái nói, người đàn ông kiệm lời tên Hưng cười xòa: "Có nhau mà thấy mình của ngày hôm nay đỡ nghèo hơn mình của ngày hôm qua, và biết nhìn nhau để phấn đấu giảm điểm yếu, tăng điểm mạnh, thế là tình yêu healthy rồi. Chứ yêu vào mà vừa nghèo, vừa thêm nhiều điểm xấu thì không được. Thế là chắc chắn yêu sai rồi đấy!".


(0) Bình luận
Rũ bỏ tư duy "vay tiền hay dùng thẻ tín dụng mua quà cho người yêu là chuyện bình thường"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO