Trong vài năm qua, việc sưu tập đồng hồ cổ điển đã trở thành trào lưu phổ biến. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm đồng hồ cũ còn vượt xa nhu cầu đối với sản phẩm mới nguyên hộp. Sự tăng trưởng của thị trường đồng hồ cũ là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất trong ngành.
Đáng chú ý gần đây, Boston Consulting Group Inc. và công ty bán đồng hồ đã qua sử dụng WatchBox công bố báo cáo, cho thấy giá của các thương hiệu như đồng hồ Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet đã tăng 20% mỗi năm kể từ năm 2018. Con số này vượt xa cả chỉ số S&P 500 (chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ), do giá trị của những chiếc đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng tăng mạnh.
Đồng hồ xa xỉ được coi như một loại tài sản thay thế cho cổ phiếu, trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật.
Lớn lên trong ngành kinh doanh đồ cổ, Alan Bedwell (nhà sáng lập của Foundwell) thường xuyên giúp mẹ tìm người bán đồ cổ cho cửa hàng của bà ở Chợ đồ cổ Grey nổi tiếng ở London, Anh. Năm 2009, anh thành lập Foundwell, nơi tập hợp những món đồ cổ độc đáo, thú vị và đầy cảm hứng có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, có đối tượng khách hàng tập trung chủ yếu là quý ông hiện đại.
Trong buổi trò chuyện gần đây với tạp chí Robb Report gần đây, Alan Bedwell đã chia sẻ một số lưu ý mà những ai đam mê sưu tập mặt số cần để tâm.
Không chạy theo xu hướng mà mua những gì bạn thích
Thoạt nghe, lời khuyên này của Alan Bedwell có thể không mới mẻ. Song thực tế, đây là điều nhiều nhà sưu tập bỏ qua khi họ cố gắng tìm kiếm đồng hồ hiếm hoặc thời thượng nhất.
Thay vào đó, người mua nên bỏ tiền vào thứ gì mà họ thực sự thích. Nhà sáng lập Foundwell còn nhắc nhở mọi người nên đeo thử đồng hồ trước khi mua, mở rộng phạm vi chọn đồ và không nên gắn bó với những thương hiệu quá đỗi quen thuộc.
Rolex hay Patek Philippe có thể là lý do kéo bạn đến với thế giới mặt số. Tuy nhiên, đồng hồ chủ yếu là để bạn thưởng thức và mỗi chiếc trong bộ sưu tập nên tạo thành tổng thể thống nhất, hài hòa.
Ví dụ, Rolex Submariner là thiết kế mà không ít nhà sưu tập đặt hàng đầu, nhưng Alan Bedwell cho rằng không nhất thiết ai cũng phải có món phụ kiện này trong tủ đồ. Thay vào đó, anh gợi ý những cái tên khác như Cartier Tank, Jaeger-LeCoultre Reverso cùng vài mẫu khác đến từ nhà Tudor.
Đồng hồ đeo tay là vận dụng mang tính cá nhân và việc không muốn đeo chúng sẽ cản trở bạn hình thành sự "thân thiết" với món phụ kiện. Lâu dần, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy chiếc đồng hồ đó không đáng có trong bộ sưu tập.
Chọn đồ phù hợp với khả năng chi trả
Alan Bedwell cho rằng bạn không cần tiêu xài hoang phí để mua được chiếc đồng hồ đẹp, hay ép bản thân phải mua món đồ mình không thích.
Có nhiều định kiến về việc sưu tập đồng hồ liên quan đến tài chính, chẳng hạn nếu ngân sách của bạn quá thấp, bộ sưu tập của bạn sẽ rất tệ. Cây bút của Two Broke Watch Snobs đánh giá đây là quan niệm định sẵn đầy sai lầm, độc hại và vô lý.
Không phải tất cả đồng hồ cũ đều có giá cao. Nhiều mẫu rẻ hơn so với khi mua mới và có thể đi kèm ít nhược điểm. Thật lãng phí khi bạn mua chiếc đồng hồ đắt tiền nhưng không bao giờ đeo. Tần suất sử dụng là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến việc bạn nên mua loại đồng hồ nào.
Do đó, bạn nên dành thời gian để đọc và tìm hiểu thị trường cũng như những rủi ro, đồng thời nghiên cứu kỹ những sản phẩm mà bạn muốn mua.
Tình trạng sử dụng rất quan trọng
"Tình trạng sử dụng đồng hồ là rất, rất quan trọng", Alan Bedwell nhấn mạnh. Một chiếc đồng hồ có mặt số nguyên bản, không được đánh bóng được coi là có giá trị hơn so với chiếc đã được tân trang. Đó là bởi việc đánh bóng có thể làm ảnh hưởng đến lớp kim loại trên đồng hồ và các nhà sưu tập tin rằng việc làm này thay đổi cấu trúc món phụ kiện đeo tay.
Một chiếc Cartier cổ điển chưa được đánh bóng có thể có giá cao, nhưng sau khi trải qua quá trình làm mới, sản phẩm ấy có thể mất một phần giá trị. Ngay cả những vết trầy xước trên mặt vỏ cũng làm cho chiếc đồng hồ trở nên đặc biệt, độc đáo và hấp dẫn hơn.
Chẳng hạn chiếc Rolex có mặt số tropical (nhiệt đới) có thể bị phai màu hoặc hơi nâu theo thời gian, do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc mắc vài lỗi sản xuất nhỏ. Nhưng bất kỳ nhà sưu tập Rolex sành sỏi nào cũng có thể nói rằng đây là chiếc đồng hồ hiếm và được thèm muốn. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng mở rộng hầu bao để tậu về.
Nếu chiếc đồng hồ bạn muốn mua có một trong các dấu hiệu sau đây, tốt nhất bạn nên tránh xa: Được đánh bóng kỹ, mặt số bị hư hỏng hoặc được sửa lại, kim đồng hồ hay bộ chuyển động bị hư hỏng/đã được thay thế.
Theo Robb Report