Ra Tết nhiều tiền, để ở ngân hàng nào dễ được thăng hạng thành khách VIP?

Linh San | 13:54 03/02/2025

Trở thành khách hàng VIP của ngân hàng không chỉ giúp khách hàng hưởng lãi suất ưu đãi mà còn đi kèm hàng loạt lợi ích như miễn phí dịch vụ, phòng chờ sân bay, ưu đãi ăn uống và giải trí. Mỗi nhà băng lại có một tiêu chí riêng để phân hạng khách hàng ưu tiên của mình.

Ra Tết nhiều tiền, để ở ngân hàng nào dễ được thăng hạng thành khách VIP?
Ảnh minh họa

Làm thế nào để trở thành khách VIP của các ngân hàng là vấn đề nhiều người quan tâm, bởi ngoài việc được hưởng lãi suất ưu đãi, khách hàng còn có thể tận hưởng hàng loạt đặc quyền như phòng chờ sân bay, ưu đãi ăn uống, giải trí và dịch vụ chăm sóc riêng biệt. 

Sau Tết, nhiều người có khoản tiền dư dả từ tiền thưởng, tiền lì xì hay lợi nhuận kinh doanh, và đây là thời điểm lý tưởng để cân nhắc gửi tiền vào ngân hàng, vừa sinh lời tốt, vừa có cơ hội thăng hạng VIP. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có điều kiện xét hạng khác nhau, vậy gửi vào ngân hàng nào dễ đạt hạng VIP nhất?

Tại Vietcombank, để trở thành Khách hàng Ưu tiên, khách hàng phải có số dư tiền gửi bình quân trong 12 tháng liền trước hoặc số dư cam kết duy trì trong vòng 6 tháng tiếp theo kể từ thời điểm định danh đạt từ 2 tỷ VND trở lên. Ngoài ra, khách hàng đạt dư nợ vay từ 2 tỷ đồng trở lên hoặc chi tiêu thẻ tín dụng từ 150 triệu đồng/năm hoặc thu nhập từ 50 triệu đồng/tháng cũng có thể được định danh khách VIP.

Với khách hàng có số dư tiền gửi bình quân trong 12 tháng từ 1,5 tỷ VND trở lên thì phải đạt tối thiểu 10 điểm theo theo tiêu chí Tổ hợp Tiền gửi - Tiền vay - Thẻ - Bảo hiểm.

Trong nhóm khách hàng ưu tiên, hạng Titan là phân hạng thấp nhất. Để được xếp vào những hạng cao hơn (Vàng, Kim Cương, Kim Cương Elite), khách hàng phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể sau:

screenshot-2025-02-03-111442.png
Điều kiện Khách hàng ưu tiên Vietcombank

Tại Techcombank, để trở thành khách hàng ưu tiên của nhà băng này, khách hàng cần đáp ứng một trong hai điều kiện: duy trì số dư tài sản bình quân trong 3 tháng liên tiếp gần nhất từ 1 tỷ VND (bao gồm tài khoản thanh toán, tiết kiệm, đầu tư trái phiếu và chứng chỉ quỹ hoặc có tổng giá trị quan hệ tài chính với Techcombank từ 2 tỷ VND trở lên và đáp ứng điều kiện về việc duy trì số dư trung bình trong tài khoản thanh toán theo quy định. 

Tổng giá trị quan hệ tài chính được tính bằng tổng giá trị tài sản bình quân 3 tháng gần nhất (tài sản ở đây bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi trong tài khoản thanh toán, chứng chỉ tiền gửi bảo lộc, trái phiếu.

Tại VietinBank, với mức tiền gửi bình quân 3 tháng liên tiếp từ 1 tỷ VND đến dưới 2 tỷ VND, khách hàng sẽ được định danh khách hàng ưu tiên phân hạng Gold. Các phân hạng cao hơn như Platinum, Diamond, Diamond Plus, Elite yêu cầu mức tiền gửi từ trên 2 tỷ đến 30 tỷ VND. Ngoài yêu cầu về huy động vốn, khách hàng có dư nợ, thu nhập đạt yêu cầu hoặc có hợp đồng bảo hiểm với VietinBank cũng sẽ được nâng hạng.

Tại VPBank, khách hàng ưu tiên được phân chia thành ba hạng: Phân hạng thấp nhất - Hạng Pre-Diamond áp dụng cho khách hàng có tổng tài sản bình quân tháng từ 500 triệu VND đến dưới 1 tỷ VND hoặc số dư tài khoản thanh toán từ 80 triệu đến dưới 150 triệu VND. 

Các phân hạng cao hơn như hạng Diamond dành cho khách hàng có tổng tài sản từ 1 đến dưới 5 tỷ VND hoặc số dư tài khoản thanh toán từ 150 đến dưới 500 triệu VND. Cao nhất là hạng Diamond Elite, áp dụng cho khách hàng có tổng tài sản từ 5 tỷ VND trở lên hoặc số dư tài khoản thanh toán từ 500 triệu VND trở lên.

Tại TPBank, phân hạng khách hàng ưu tiên Titan yêu cầu khách hàng có tiền gửi không kỳ hạn với số dư bình quân từ 100 triệu VND trở lên trong 3 tháng gần nhất và duy trì tối thiểu 50 triệu VND/ngày trong tháng gần nhất. Ngoài yêu cầu về CASA, khách hàng có tổng tài sản từ 1 - dưới 5 tỷ VND hoặc đóng phí bảo hiểm nhân thọ năm đầu từ 100 triệu VND trở lên, hoặc có thẻ tín dụng hạn mức 200 triệu VND, với tổng chi tiêu 90 triệu VND trong 3 tháng gần nhất cũng được xếp vào phân hạng này.

Hạng Gold yêu cầu mức CASA bình quân 500 triệu VND trở lên, hạng Platinum là 1 tỷ VND trở lên trong 3 tháng gần nhất, duy trì 50 triệu đồng/ngày và không có tháng nào dưới 30 triệu đồng trong 6 tháng gần nhất.

Tại ACB, để trở thành hội viên ACB Privilege Banking - phân hạng Privilege, khách hàng cần đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: Số dư Tiền gửi tiết kiệm mở mới kỳ hạn 3 tháng trở lên từ 1 tỷ VND; Tổng tài sản tại ACB bình quân 3 tháng gần nhất từ 1 tỷ VND;​ Tài khoản thanh toán bình quân 6 tháng gần nhất từ 100 triệu VND (số dư mỗi tháng lớn hơn 50 triệu VND) hoặc tham gia mới Sản phẩm Bảo hiểm nhân thọ Sun Life được giới thiệu bởi ACB có FYP từ 100 triệu đồng.​

Tại MBBank,  Khách hàng MB Priority được chia thành 3 phân hạng F-class (First class), H-class (High-class) và E-class (Elite class), tương ứng với các đặc quyền ưu đãi dành riêng cho từng phân hạng. Hạng thấp nhất E-Class yêu cầu số dư tài khoản thanh toán bình quân 3 tháng từ 250 - dưới 350 triệu VND, tổng tài sản từ 1 - dưới 2 tỷ VND, dư nợ từ 2 - dưới 3 tỷ VND, đạt 10.000 sao.

Còn khách hàng Private MBBank là những đối tượng siêu giàu, cần có tài sản tại MB từ 1 triệu USD trở lên (tương đương hơn 23 tỷ VND).


(0) Bình luận
Ra Tết nhiều tiền, để ở ngân hàng nào dễ được thăng hạng thành khách VIP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO