Lượng tiêu thụ than toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay, bất chấp tham vọng của hàng loạt quốc gia trong việc loại bỏ thứ năng lượng được xem là “bẩn nhất thế giới” này.
Tiêu thụ than toàn cầu có thể tăng 1,2% trong năm 2022, lần đầu tiên vượt mức 8 tỷ tấn trong một năm, theo số liệu của IEA. Các chuyên gia cũng dự đoán rằng lượng tiêu thụ than sẽ đi ngang ở mức này cho đến năm 2025, khi nhu cầu tại các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc sẽ nhấn chìm các nỗ lực hạn chế sử dụng than của phương Tây.
Sự phụ thuộc lớn của châu Âu vào than trong năm nay chủ yếu đến từ việc Nga dừng cung cấp dầu, khí đốt cho châu lục này, buộc họ phải tìm đến các nguồn năng lượng thay thế. Động thái này xảy ra đúng vào lục các lãnh đạo châu Âu cố gắng đẩy mạnh chuyển dịch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch.
Sóng nhiệt và hạn hán tại một số cùng cũng làm tăng nhu cầu điện và giảm năgn suất thủy điện. Trong khi đó, sản xuất điện hạt nhân cũng rất yếu, đặc biệt là ở châu Âu khi Pháp phải đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân để bảo trì.
Với việc nhu cầu sử dụng than tiếp tục lập đỉnh mới, đây vẫn sẽ là nguồn phát thải carbon dioxide lớn nhất của hệ thống năng lượng toàn cầu.
Nhu cầu than tăng nhiều nhất dự kiến sẽ là ở Ấn Độ với 7%, tiếp đến là Liên minh châu Âu với 6% và Trung Quốc với 0,4%.
Sản lượng nhiệt điện toàn cầu cũng tăng lên mức kỷ lục mới, khoảng 10,3 terawatt giờ trong năm nay, trong khi sản lượng khai thác than cũng tăng 5,4% lên khoảng 8,3 tỷ tấn, cũng là mức cao nhất mọi thời đại. Sản lượng khai thác than dự kiến đạt đỉnh vào năm 2023 và sẽ giảm xuống dưới mức của năm 2022 vào năm 2025.
3 nhà sản xuất than lớn nhất gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đều sẽ đạt kỷ lục khai thác than trong năm nay. Mặc dù giá bán cao, lợi nhuận tốt, các nhà sản xuất than đều không có ý định tăng đầu tư vào các dự án khai thác. Điều này phản ánh sự thận trọng của các công ty khai khoáng và nhà đầu tư về triển vọng dài hạn đối với than, báo cáo của IEA khẳng định.