Điều 190 quy định về hoạt động lấn biển. Theo đó, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ để lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư lấn biển theo quy định pháp luật.
Việc lấn biển phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và điều ước quốc tế. Hoạt động này dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học.
Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư dự án lấn biển thuộc khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản thiên nhiên; vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; cảng biển, vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu; khu vực quy hoạch sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Việc quy định về hoạt động lấn biển trong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm được đánh giá sẽ làm cơ sở để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các dự án phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các dự án đô thị nằm dọc đường bờ biển dài hàng ngàn km của Việt Nam.
Trước đó, tại một hội nghị, thông tin về quy hoạch không gian biển, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định việc quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ hiện nay triển khai còn chậm, dẫn đến nhiều dự án lấn biển tại các địa phương chưa thực hiện được.
"Đây không chỉ là khó khăn, vướng mắc của huyện Cát Hải mà còn của nhiều địa phương ven biển khác, do đó Chính phủ sẽ sớm xem xét và trình Quốc hội ban hành quy hoạch này" - Phó thủ tướng cho hay.
Đối với các ý kiến liên quan công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Phó thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp cho các ban ngành và địa phương trong thực hiện; rà soát, sửa đổi các quy định đang có sự xung đột, chồng chéo, gây khó khăn cho công tác thực hiện tại các địa phương.
Đối với quy định tại Điều 248 Luật Đất đai 2024, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp 2017. Một trong những điều khoản quan trọng là "không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt".
Nội dung này được sửa đổi thành "không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định".
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa đổi này nhằm tháo gỡ rào cản trong thực thi chính sách liên quan đến thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng.
Trước đó, trong quá trình đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Lò Thị Luyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã chỉ ra những vướng mắc liên quan đến thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.
Cụ thể, khi tổ chức thực hiện Điều 58 Luật Đất đai 2013, trước năm 2019 không hề vướng mắc gì, nhưng từ năm 2017, Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được cụ thể hóa tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp.
Do đó, khi thực hiện theo Điều 58 Luật Đất đai 2013, các địa phương ở miền núi gần như rất vướng, thậm chí trong nội tại bản thân Luật Lâm nghiệp cũng có xung đột lẫn nhau.
Việc chuyển mục đích sử dụng 1m2 rừng tự nhiên cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đã khiến cho các tỉnh miền núi như Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn, đại biểu Lò Thị Luyến nói về những vướng mắc phát sinh từ bất cập của quy định cũ trước khi điều 248 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.