Trình bày tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 28/10, Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang bày tỏ lo ngại trước tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở cho công nhân. Nguồn cung nhà ở cho nhóm này chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng.
Theo ông Tuấn, mặc dù thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã quan tâm tháo gỡ cơ chế, chính sách pháp luật liên quan. Giữa tháng 6, Thủ tướng đối thoại trực tuyến với 4.500 công nhân trên toàn quốc. Đầu tháng 8, người đứng đầu Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, các vướng mắc chưa được tháo gỡ. Ông đề nghị Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân.
"Đây là lực lượng quan trọng, có đặc thù so với các nhóm khác. Nhưng quy định hiện hành chưa có chế định riêng về nhà ở cho họ, hoặc quy định còn nằm rải rác trong một số văn bản", ông Tuấn nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Tuấn, hiện nay, quy định của Chính phủ về đối tượng công nhân được hưởng ưu đãi về nhà ở có thể chưa thật sự hợp lý và cần được nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo, hợp lý hợp tình hơn.
Cụ thể, hiện Luật Nhà ở 2014 nêu rõ, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc diện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Trong khi đó, Nghị định của Chính phủ quy định, một trong những điều kiện để được hưởng chính sách này là công nhân chưa có nhà ở hoặc chưa được mua, thuê nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống và làm việc.
Theo đó, Phó đoàn đại biểu Bắc Giang đánh giá, quy định trên chưa hợp lý bởi rất nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp thuộc diện hộ nghèo, thu nhập thấp. Dù họ đã có nhà, đất ở quê cùng bố mẹ, anh chị em, nhưng rời quê đi làm, phải thuê chỗ ở chật hẹp. Họ rất cần được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, và cần phải có chế định riêng về nhà ở cho công nhân.
Theo ông Tuấn, các cơ quan phải tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 xây ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Để thực hiện được, cần nguồn lực rất lớn, nên phải khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp mà còn các hộ gia đình, cá nhân.
Lấy ví dụ về công tác phát triển nhà ở công nhân tại Bắc Giang, ông Tuấn cho biết hiện tỉnh này đang có 5.000 công trình nhà ở cho công nhân do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng, đáp ứng nhu cầu cho 66.000 công nhân thuê. Nhưng từ nay đến năm 2025, địa phương vẫn khuyến khích cá nhân tiếp tục xây nhà, đáp ứng chỗ ở cho 180.000 lao động.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, trong nội dung giải trình về các vấn đề liên quan, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận công tác đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững của Việt Nam có nhiều thách thức. Cả nước còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 9% tổng số hộ. Theo tiêu chí mới, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Lưới an sinh xã hội thực chất còn thấp. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thiếu...
Đối với vấn đề ưu đãi liên quan đến đất đai cho công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhâm, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ quy định nhà nước tạo quỹ đất, không thu tiền sử dụng đất để giá nhà ở xã hội, nhà cho sinh viên và người thu nhập thấp hợp lý hơn.