Quốc hội thảo luận Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi

PV | 12:06 13/06/2022

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 13/6 Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
Phiên họp Quốc hội sáng ngày 13/6 thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương, đã có 27 ý kiến phát biểu, 2 đại biểu tranh luận.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái– Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị quy định chặt chẽ để bảo đảm nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của trong việc quản lý, cấp, thanh tra, kiểm tra thu hồi giấy phép hành nghề của các cơ quan quản lý nhà nước, tránh sự quá tải cho Hội đồng Y khoa quốc gia khi vừa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề vừa thực hiện cấp, thu hồi giấy phép hành nghề trên phạm vi toàn quốc.

Đại biểu cho biết, trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hệ thống thông tin quản lý bao gồm dữ liệu cá nhân, lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân. Vì vậy việc bảo mật thông tin là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định về bảo mật thông tin. Do đó, đề nghị bổ sung quy định bảo mật thông tin không chỉ ở hoạt động khám chữa bệnh từ xa mà trong hoạt động khám chữa bệnh nói chung.

Đồng thời, để thống nhất về quy định khám chữa bệnh từ xa, công tác chẩn đoán thì việc xác minh danh tính, cơ chế thanh toán, trách nhiệm của các chủ thể liên quan cần được làm rõ, cần được bổ sung làm rõ và cần quy định về quy trình khám chữa bệnh từ xa để bảo đảm chặt chẽ. Nhấn mạnh vai trò của Luật, tính chất phức tạp và phạm vi ảnh hưởng của Luật, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị xem xét Luật này theo quy trình 3 kỳ họp.

Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Dự án Luật lần này tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo tính đồng bộ hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trong tình hình mới.

Đại biểu cho biết, chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4 dự thảo Luật đã thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước trong thực hiện chính sách về khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chính sách ưu tiên, chính sách đặc thù cho khám bệnh, chữa bệnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực y tế và chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại vùng này.

Đại biểu chỉ ra rằng, điều kiện cơ sở vật chất các cơ sở y tế hiện nay chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong khi đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng. Với chủ trương việc khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian tới sẽ triển khai toàn diện tuyến cơ sở, cấp huyện, cấp xã trừ trường hợp bệnh mắc bệnh hiểm nghèo mới chuyển lên tuyến trên, nếu không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực phù hợp thì chủ trương này sẽ không khả thi.

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt chú trọng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng này nhằm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nêu rõ, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã tập trung điều chỉnh 5 nhóm nội dung lớn theo đúng chủ trương, quan điểm của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập giải quyết những vấn đề mới phát sinh để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân.

Góp ý hoàn thiện thêm dự thảo Luật, đại biểu cho biết, chức danh nghề nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề tại Điểm b, khoản 1, Điều 18 của dự thảo Luật có quy định y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại biểu cho rằng, việc quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc và được quy định tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật này. Đó là nguyên tắc bình đẳng, công bằng giữa những người hành nghề, đồng thời ảnh hưởng đến nguồn nhân lượng phục vụ y tế cơ sở, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay các trạm y tế xã đang thiếu các lực lượng y, bác sĩ rất nhiều.

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, chức danh y sỹ trong lực lượng vũ trang và ngoài lực lượng vũ trang đều phải có chứng chỉ hành nghề. Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét vấn đề này trong dự thảo Luật sửa đổi.

Liên quan đến quy định về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại nội dung này. Vì quy định như dự thảo Luật sẽ hạn chế chuyên gia y tế có trình độ tay nghề cao đến làm việc, hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại nước ta, nhất là đối với một số lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao. Trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế như hiện nay, đại biểu cho rằng, vấn đề này cần được quan tâm điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.

Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh theo hướng giao cho cơ quan quản lý y tế của địa phương cấp tỉnh để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ hành nghề trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời các địa phương có thể bổ sung thêm quy chế để quá trình thực hiện được chặt chẽ hơn theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, đại biểu chọn phương án 2 như Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội.

Đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao sự trách nhiệm, cầu thị trong quá trình chuẩn bị dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội lần này của cơ quan soạn thảo; cho rằng dự thảo Luật đã cập nhật các nội dung yêu cầu theo nghị quyết của Đảng, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Góp ý về công tác quản lý hoạt động hành nghề của người hành nghề khám, chữa bệnh, đại biểu bày tỏ tán thành với phương án giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giao cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với vai trò của Hội đồng Y khoa quốc gia; đồng bộ với hoạt động thanh tra, kiểm tra, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề... Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cũng cần lưu lý quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia để bảo đảm tính khả thi. Theo đó, dự thảo Luật nên nghiên cứu bổ sung quy định để huy động sự tham gia sâu hơn của các hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo chuyên môn ngành y, phát huy vai trò của hội và cơ sở đào tạo chuyên sâu trong việc phối hợp, hỗ trợ Hội đồng Y khoa quốc gia xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp, xây dựng ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề để vừa tránh phát sinh thêm bộ máy và phù hợp với chủ trương xã hội hóa của ta hiện nay.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, nội dung Điều 4 và các điều khoản liên quan cần tiếp tục được nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn các chính sách của Nhà nước về tăng cường đầu tư cho lĩnh vực hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về cả về cơ sở vật chất và con người nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập đang đặt ra, nhất là đối với cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cơ sở hiện nay.

Thực tiễn qua công tác phòng, chống dịch Covid 19 thời gian qua càng thấy rõ hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, nhất là cơ sở chưa được đầu tư đúng mức, còn thiếu thốn rất nhiều máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, kinh phí chi thường xuyên cũng rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động trên lĩnh vực này ở các cấp luôn làm việc rất vất vả trong các đợt dịch bùng phát. Tuy nhiên, khó khăn, vất vả là vậy song chế độ tiền lương, phụ cấp; chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ viên chức, lao động trong lĩnh vực y tế lại rất thấp.

Trước kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã có buổi tiếp xúc với các cử tri đại diện cho công chức, viên chức, lao động trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri phản ánh, kiến nghị những khó khăn, bất cập nêu trên.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, việc sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này cần có định hướng, chính sách cụ thể đối với các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cần ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là y tế cơ sở tại những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân.

Bên cạnh đó, trong dự án Luật cần nhấn mạnh đến việc tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, có chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù về tiền lương, phụ cấp, chính sách bảo hiểm nghề nghiệp đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đây là những vấn đề cụ thể, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn nên đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để tiếp tục sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn trong dự án Luật.

Đại biểu Đặng Văn Lẫm – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về tổ chức thi, đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức cấp, thu hồi giấy phép hành nghề, khoản 2, Điều 21 và khoản 1, Điều 26 của dự thảo Luật quy định Hội đồng y khoa quốc gia có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đại biểu, việc tập trung thẩm quyền vào Hội đồng Y khoa quốc gia như vậy sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nhất là tác động đến công tác bảo đảm quan y trong quân đội quốc phòng. Đại biểu nêu rõ, số lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cả nước rất lớn, thủ tục cấp phép phải theo một quy trình, thời gian nhất định, trong các đơn vị quân đội luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, lực lượng cần được bổ sung tăng cường nhanh. Nhiều đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhà giàn, nếu theo quy trình, thời gian cấp phép thường sẽ khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên quân y ngoài kiến thức chuyên môn ngành y còn phải có năng lực về y học quân sự như: nội khoa dã chiến, ngoại khoa dã chiến, tổ chức chỉ huy quân y, y học quân, binh chủng, xử lý vết thương chiến tranh.

Do đó, việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề đối với cán bộ y tế dân y, cán bộ quân y trong quân đội cùng một Hội đồng y khoa quốc gia, cùng một bộ câu hỏi theo dự thảo Luật là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, trong thực tiễn từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh đến nay, Bộ Quốc phòng đã cấp giấy chứng nhận hành nghề trên 21.000 hồ sơ cho bác sĩ, điều dưỡng, y sỹ, hộ sinh, kỹ thuật viên, lương y và các đối tượng khác, đồng thời cấp nhiều giấy phép hoạt động cho bệnh viện, phân viện, bệnh xá, phòng khám và các hình thức khác, ngoài ra còn cấp giấy chứng nhận hành nghề cho cán bộ, nhân viên quân y, bệnh viện dã chiến tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đặc biệt là về tiến độ, thời gian.

Thêm vào đó, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý giao cho một tổ chức độc lập ngoài quân đội thì sẽ không bảo đảm về yếu tố bí mật nhà nước.

Từ những lý do trên, đại biểu kiến nghị phân cấp cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung thêm tại Điều 18 chức danh nghề nghiệp cần bổ sung thêm đối tượng “y sĩ, y học cổ truyền”, đại biểu lưu ý đối tượng này là rất nhiều và không phải tất cả đều là lương y. Tại Điều 42 quy định hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm hình thức là các loại hình trung tâm y tế, trung tâm sức khỏe, Trung tâm chẩn đoán.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, khiếm khuyết lớn nhất của Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) mà Ban soạn thảo để trình lần này là quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ. Theo đại biểu, chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng 4.0 nhưng trong Luật Khám, bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này chỉ duy nhất ở Điều 55 khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa đề cấp rất ít. Việc quy định như vậy là không đủ, thiếu tầm nhìn và nếu Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này nếu được thông qua thì sẽ có nhiều điều bất lợi xảy ra. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tập trung soạn thảo cách đầy đủ, chặt chẽ và khả thi quy định về khám chữa bệnh từ xa, có thể dành một chương để triển khai bổ sung thêm các nội dung đã đề cập.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, tròn 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ đại biểu thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật những bây giờ. Theo đại biểu, vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám, chữa bệnh thì vẫn luôn là cứu bệnh như cứu hỏa. Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn mặc dù thù lao của cán bộ y tế cơ sở chị có 18.600 đồng một đêm. Những quy định của luật pháp, không còn phù hợp khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc hay những vụ việc tiêu cực đang được đưa ra ánh sáng… và thiệt hại thòi lớn nhất tại xảy ra cho chính người bệnh.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế. Trước mắt cần triển khai nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mua sắm để khám, chữa bệnh và dũng cảm để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình. Ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp như Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống dịch và những luật khác có liên quan như Luật đấu thầu mua sắm, Luật tài sản công, kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa tự chủ bệnh viện…

Đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, vấn đề liên doanh, liên kết quy định tại Điều 90 của dự thảo Luật, đại biểu Khương Thị Mai cho rằng việc liên doanh, liên kết hiện nay chủ yếu là bệnh viện công, liên doanh, liên kết với bệnh viện tư.

Theo đại biểu, có nhiều khó khăn trong vấn đề liên doanh, liên kết xảy ra trong thời gian qua: khó khăn về định giá quyền sử dụng đất, định giá tài sản trên đất; khó khăn về thương hiệu của cơ sở y tế công lập để tính tỷ lệ phân chia giữa bệnh viện công và bệnh viện tư; khó khăn liên quan đến định giá tài sản của bệnh viện tư liên doanh liên kết; khó khăn liên quan đến thời gian hợp đồng thực hiện liên doanh, liên kết. Vì vậy, trong thời gian qua có tình trạng lạm dụng các chi phí xét nghiệm, chi phí liên quan đến người bệnh trong sử dụng tài sản liên doanh, liên kết.

Đại biểu cho biết, vì chưa có quy định rõ về nội dung này, không quy định rõ công tư phân định trong Điều 90, dẫn đến làm thủ tục hành chính còn rườm rà, cụ thể là nếu bệnh viện công lập muốn liên doanh, liên kết với một bệnh viện tư thì cần phải lập đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh dẫn đến rất rườm rà trong cải cách hành chính. Đại biểu đề nghị Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải quy định rõ nội dung này.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nêu rõ việc hoàn thiện luật vừa làm kim chỉ nam cho ngành y tế vượt qua khó khăn trước mắt và định hướng phát triển lâu dài.

Góp ý về hệ thống cơ sở khám bệnh chữa bệnh dự thảo chia 3 cấp (cấp ban đầu, cấp cơ bản, cấp chuyên sâu), đại biểu cho rằng nội dung sửa đổi phù hợp với Nghị quyết của trung ương. Tuy nhiên dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc sắp xếp lại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; quan tâm khám chữa bệnh ban đầu.

Dự thảo Luật cũng chưa có định nghĩa về y tế cơ sở, chưa rõ phạm vi y tế cơ sở, mối liên hệ y tế cơ sở và cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không phù hợp nhất là tại các thành phố lớn khi quy mô dân số hơn 100.000 dân nhưng vẫn chỉ có 1 trạm y tế. Dù có nhiều biện pháp nhưng chưa hiệu quả do đó, tổ chức lại hệ thống y tế là giải pháp căn cơ song cần mô hình cụ thể.

Theo đại biểu, khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình y học gia đình kết hợp khu vực tư nhân và trạm y tế, đặc biệt kết nối giữa khám chữa bệnh ban đầu với các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc, hài hòa nguồn thu giữa các tuyến…

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về khám chữa bệnh ngoài địa điểm hành nghề. Đại biểu cũng góp ý về quy định xã hội hóa cần rõ cơ chế huy động thu hút xã hội hóa trong khám chữa bệnh.

Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giấy phép hành nghề không phải là bằng cấp chuyên môn, không thể hiện là chuyên môn cao hay chuyên môn thấp. Nhưng giấy phép hành nghề bao gồm hai vế gồm có bằng cấp chuyên môn cần thiết cộng thêm hiểu biết pháp luật nước sở tại để sử dụng chuyên môn áp dụng vào phục vụ khám chữa bệnh cho đúng pháp luật, quy định của địa phương và của quốc gia.

Bên cạnh đó, về quy định chỉ có Hội đồng y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép hành nghề, đại biểu nêu rõ quy định như trên là không hợp lý.

Lý giải quan điểm trên, đại biểu Phạm Trí Thức cho biết, chỉ có một tổ chức cho cả nước thì khối lượng công việc sẽ rất lớn, số lượng bác sĩ trên cả nước cũng rất lớn sẽ có thể gây ra tập trung quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề. Đại biểu cũng nêu rõ, Hội đồng y khoa Quốc gia không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề.

Do đó, đại biểu đề nghị Hội đồng Y khoa Quốc gia có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực hành nghề, xây dựng ngân hàng câu hỏi để công khai; xây dựng quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở y tế đủ năng lực để cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra, đánh giá giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, trên cơ sở là các cơ sở đủ điều kiện do Bộ Y tế thẩm định tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực. Các cơ sở đó sẽ được tổ chức kiểm tra để đánh giá năng lực hành nghề và thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề sẽ do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Sở Y tế cấp như hiện nay.

Về quy định áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng cần phân biệt kỹ thuật điều trị và phương pháp điều trị. Theo đại biểu, vấn đề này khác nhau vì kỹ thuật điều trị chỉ là một phần của phương pháp điều trị. Do đó đối với thực hiện kỹ thuật điều trị cần phải kiểm tra, thẩm định, xác định cho từng cơ sở. Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm kỹ thuật điều trị và cải tiến điều trị mới trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế khiến nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu mua sắm. Sai phạm do thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Do vậy, đại biểu Nguyễn Công Long nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần giải quyết những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế, phải giải quyết những quy định bất hợp lý như mô hình quản lý kiêm nhiệm chuyên môn và quản lý điều hành.

Trước thực trạng đã và đang diễn ra, đại biểu nêu rõ, sự đổi mới về quản trị y tế công là rất cấp thiết. Đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét một số vấn đề như sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn, hoạt động quản lý bệnh viện công. Đồng thời cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng, Chương III của dự thảo Luật mới tập trung sửa đổi các quy định và các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà không quy định tiêu chuẩn về điều kiện hành nghề quản lý.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cần xem xét quy định các tiêu chuẩn về nhân lực quản lý, đây là một tiêu chí bắt buộc nhằm đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung thế giới. Tại Điều 49 của dự thảo quy định về tiêu chuẩn chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới chỉ tập trung vào tiêu chuẩn các chuyên khoa hoặc là dịch vụ kỹ thuật mà không có các tiêu chuẩn về quản lý. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đề xuất thực hiện mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo quy hoạch đã nghiên cứu giai đoạn trước đây.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt bác sĩ tuyến y tế cơ sở hiện nay, đặc biệt là hai năm vừa qua khi đại dịch Covid diễn ra, có gần 5.000 nhân viên y tế, trong đó có rất nhiều bác sĩ là xin thôi việc trong hệ thống y tế công lập.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, việc thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế như trên sẽ rất là nghiêm trọng, bởi vì nhiều bác sĩ đang có tâm lý không yên tâm công tác. Hiện nay, trên thế giới có một cái loại hình là trợ lý bác sĩ. Họ công tác ở trên 50 nước trên thế giới và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên phát triển loại hình này để lấp đầy khoảng trống nhân lực trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong khi thiếu hụt nhân lực y tế là bác sĩ.

Trong tình huống thiếu nhân lực y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị với cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cần nghiên cứu để tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sĩ. Tuy nhiên, cũng đề nghị với các Bộ chuyên ngành, đặc biệt là Bộ Y tế cũng có quy định xác định lại sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của y sĩ trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới để xây dựng lại chương trình đào tạo cũng như là quy định lại chức năng, nhiệm vụ đối với từng vị trí công việc và đào tạo theo hướng chuyên môn hóa chuyên sâu. Ví dụ như y sĩ chuyên ngành sản nhi, chuyên ngành dinh dưỡng hoặc là chuyên ngành y học cổ truyền để có thể hỗ trợ cho bác sĩ trong mọi hoàn cảnh, mọi vị trí công việc chứ không phải chỉ ở tuyến y tế cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, dự thảo Luật cũng đang muốn phát triển cấp cứu ngoại viện thì đào tạo cái chức danh y sĩ này theo hướng có kỹ năng cấp cứu ngoại viện, cấp cứu bệnh viện thì đây là đối tượng sẽ gắn bó với cơ sở y tế cơ sở và đáp ứng rất nhanh cho cấp cứu tại chỗ, cấp cứu tại cơ sở.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, việc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để xem xét, cho ý kiến thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào thời điểm hiện nay là rất phù hợp và cần thiết với mục tiêu bổ sung đầy đủ cơ chế pháp lý nhằm giải quyết tốt những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, tăng cường trật tự, kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Để đạt được mục tiêu trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ về thực trạng phát sinh nổi lên có liên quan đến vấn đề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian qua để bổ sung xây dựng dự án luật đầy đủ, toàn diện nhất.

Theo đại biểu, trong sửa đổi Luật cần đặc biệt chú ý các vấn nạn nổi lên như: tình trạng người nhà đi cùng bệnh nhân, hoặc bệnh nhân có hành vi bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện, khiến không ít y, bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng; tình trạng nhiều đối tượng có hành vi lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để phát ngôn, tuyên truyền, quảng cáo gian dối về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, dụ dỗ, lôi kéo người bệnh sử dụng các phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh chưa được công nhận không đạt tiêu chuẩn…

Đại biểu cho rằng, tại Điều 36 và Điều 94 của dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp như: quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn của đội ngũ nhân viên y tế; có cơ chế hỗ trợ tài chính để thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, có quy định riêng về xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xảy ra trong khuôn viên cơ sở y tế, trong khuôn viên của bệnh viện; cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là các đối tượng có hành vi bạo hành nhân viên y tế, gian dối trong quảng cáo, bán thuốc chữa bệnh, vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây thiệt hại cho người dân. Đại biểu nhấn mạnh, đối với những đối tượng này cần phải được xử lý rất kiên quyết, kịp thời để đảm bảo phát huy cao nhất yêu cầu về răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quốc hội thảo luận Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO