Chuyến thăm chính thức Nhà nước Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp. Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Qatar, mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Qatar.
5 lĩnh vực Việt Nam có thể hợp tác với Qatar
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy, với tư duy mới, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, hai nước hoàn toàn có thể khai thác các tiềm năng, lợi thế của mỗi bên để cùng hợp tác và phát triển.
Đối với Qatar là cơ hội mở rộng thêm thị trường cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường đang lên với 101 triệu dân, còn với Việt Nam là tăng cường thu hút đầu tư từ Qatar.
Đồng thời, hai bên quyết tâm mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực cùng ưu tiên, như năng lượng sạch, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số..., mang về những lợi ích cụ thể, thiết thực cho cả hai nước trong thời gian tới.
Ông Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh thêm, Việt Nam và Qatar có nhiều cơ hội, tiềm năng tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong 5 lĩnh vực quan trọng. Đây là 5 lĩnh vực quan trọng, có thể mang lại nguồn lợi kinh tế hàng tỷ USD.
Đầu tiên là lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo. Qatar, với nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, tiềm lực tài chính và công nghệ, có thể hợp tác cùng Việt Nam trong phát triển các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo, xây dựng trung tâm dự trữ khí hóa lỏng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường 101 triệu người người tiêu dùng Việt Nam và mở rộng cung cấp cho các khách hàng khu vực.
Thứ hai, lĩnh vực thương mại và đầu tư cũng có nhiều tiềm năng để thúc đẩy. Việt Nam với nền kinh tế phát triển nhanh, môi trường đầu tư hấp dẫn, cùng với các chính sách mở cửa, có thể là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư Qatar trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao...
Việt Nam đã khẳng định vị thế nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới, trong nhóm 20 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam là mắt xích quan trọng trong 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) kết nối với 60 nền kinh tế, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực và thế giới, là điểm đến đầu tư được ưa thích hàng đầu trong số các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ ba, hợp tác Halal cũng là một hướng hợp tác tiềm năng. Hai nước đều đang có mục tiêu xây dựng ngành Halal trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế mỗi quốc gia.
Việt Nam đã ban hành chiến lược về tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030; Qatar cũng ban hành chương trình Sinh kế Halal nhằm đưa Qatar trở thành trung tâm về công nghiệp Halal trên toàn cầu trong thời gian tới. Hai bên cần khai thác tối đa các lĩnh vực bổ sung cho nhau, nơi Việt Nam có nhu cầu và Qatar có thế mạnh.
Thứ tư, giáo dục và nghiên cứu cũng là một lĩnh vực nhiều triển vọng. Việt Nam và Qatar có thể tổ chức các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ để nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của cả hai bên.
Thứ năm, văn hóa và du lịch cũng là một lĩnh vực cần được khai thác tốt hơn. Hai nước có sự đa dạng về văn hóa và đều rất quan tâm đến phát triển văn hóa. Việt Nam và Qatar có thể tổ chức các sự kiện giao lưu, xúc tiến du lịch để tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Qatar - Quốc gia "bé hạt tiêu" nhưng GDP hàng đầu thế giới
Qatar nằm trên Bán đảo Qatar, trên bờ biển phía Tây Nam của Vịnh Ba Tư, giáp Ả Rập Saudi ở phía Nam. Quốc gia này có đường bờ biển dài 563km và có tổng diện tích khoảng 11.521km2. Diện tích này chỉ bằng khoảng 3,5% so với Việt Nam và thậm chí còn nhỏ hơn cả diện tích của tỉnh Nghệ An.
Dù là một hòn đảo nhỏ nhưng Qatar lại có nguồn tài nguyên khổng lồ. Theo dữ liệu "Đánh giá thống kê năng lượng thế giới của BP", trữ lượng dầu thô của Qatar đứng thứ 14 trên thế giới, với trữ lượng đã được chứng minh là khoảng 25,2 tỷ thùng, chiếm khoảng 10% trữ lượng dầu toàn cầu.
Theo số liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng heli của Qatar là 10,1 tỷ mét khối, đứng thứ hai thế giới, chiếm 19,4% trữ lượng toàn cầu.
Qatar hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, nhà sản xuất khí heli lớn thứ hai, đồng thời là một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Khu công nghiệp liên hợp lọc hóa dầu Ras Laffan là nơi sản xuất khí hóa lỏng chính của toàn Qatar và là cơ sở xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Hiện nay, có 13 tập đoàn, công ty lớn trong ngành sản xuất khí hoạt động tại đây. Bên cạnh các nhà máy, khu công nghiệp, Ras Laffan còn có một số cơ sở hạ tầng khác như Trung tâm đào tạo An toàn và Khẩn cấp Ras Laffan, Nhà máy đóng tàu Erhama bin Jaber Al Jalahma, Bệnh viện Ras Laffan… có chất lượng hàng đầu Qatar.
Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là nền tảng của nền kinh tế Qatar và chiếm hơn 70% tổng doanh thu của chính phủ, hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 85% thu nhập từ xuất khẩu.
Theo Cơ quan thống kê (PSA), tính đến tháng 1/2024, dân số Qatar là hơn 3 triệu người. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của cả nước lên đến 246 tỷ USD. GDP bình quân đầu người hiện tại của nước này là 84.900 USD (hơn 2 tỷ đồng).
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của tờ báo The Economist và Tiến sĩ về khoa học dữ liệu Sondre Solstad công bố hồi tháng 2/2024, GDP đầu người của quốc gia này đạt 88.046 USD, đứng thứ 5 trong bảng xếp hàng, vượt qua cả Mỹ, Thụy Điển, Hà Lan.
Quan hệ thương mại Việt Nam và Qatar giai đoạn 2019 - 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều bình quân đạt 400 triệu USD/năm. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 497 triệu USD (tăng 32% so với năm 2022), trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Qatar hơn 211 triệu USD.
Hiện Qatar có 1 dự án đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 3,23 triệu USD.
Quỹ Đầu tư Qatar (QIA) đang tham gia đầu tư gián tiếp (qua các Ngân hàng phát triển, Quỹ đầu tư của bên thứ 3) tại một số dự án bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD.