Quốc gia đang ngồi trên 303 tỷ thùng dầu úp mở sẽ trao quyền phát triển dầu khí cho BRICS: khối kinh tế 'đối trọng G7' sắp như 'hổ mọc thêm cánh'?

Khánh Vy | 10:22 05/08/2024

Hiện BRICS kiểm soát khoảng 42% lượng dầu sản xuất của thế giới. Và con số này sẽ tăng lên đáng kể nếu Venezuela tham gia.

Quốc gia đang ngồi trên 303 tỷ thùng dầu úp mở sẽ trao quyền phát triển dầu khí cho BRICS: khối kinh tế 'đối trọng G7' sắp như 'hổ mọc thêm cánh'?

Hôm 2/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết nước này có thể chuyển giao quyền phát triển các mỏ dầu khí rộng lớn hiện đang được các công ty năng lượng Mỹ khai thác cho các đơn vị thuộc các quốc gia thành viên BRICS.

BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó thêm Nam Phi và vào đầu năm nay là Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các nước BRICS là những nước phát triển kinh tế nhất trong số các nước mới nổi. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở các nước này khiến họ cần rất nhiều năng lượng. 

Các nước BRICS cùng nhau sản xuất 36% tổng sản lượng năng lượng của thế giới. Theo EIA, Trung Quốc là quốc gia sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, Nga là quốc gia lớn thứ 3, Ấn Độ là quốc gia lớn thứ 6, Brazil là quốc gia lớn thứ 10 và Nam Phi là quốc gia sản xuất năng lượng lớn thứ 20.

Nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Venezuela, đã bày tỏ mong muốn được gia nhập nhóm này.

“Nếu những người ở phía Bắc và các đối tác của họ trên thế giới có động thái sai lầm lớn, thì những lô dầu khí đã được ký kết với các công ty Mỹ sẽ nhanh chóng thuộc về các đồng minh của BRICS”, ông Maduro cho biết.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Venezuela chiếm khoảng 17% trữ lượng dầu thô toàn cầu, với trữ lượng ước tính khoảng 303 tỷ thùng. Cơ quan này cũng liệt kê nước Cộng hòa Bolivar là nơi có trữ lượng dầu đã được chứng minh lớn nhất thế giới. 

Quốc gia sản xuất dầu mỏ này đã bị cô lập trong bốn năm qua, sau khi Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2019. Hiện Liên minh BRICS kiểm soát khoảng 42% lượng dầu sản xuất của thế giới. Và con số này sẽ tăng lên đáng kể nếu Venezuela tham gia.

Chevron, công ty năng lượng lớn duy nhất của Mỹ vẫn đang hoạt động tại Venezuela, đã giành được giấy phép khai thác dầu ở nước này vào tháng 11/2022, một tháng sau khi lệnh miễn trừ trừng phạt được thực hiện. Điều này được thực hiện để đổi lấy việc mở lại một số khoản thu từ dầu của Caracas đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chevron hiện đang tham gia vào 4 dự án trên bờ và ngoài khơi của Venezuela thông qua quan hệ đối tác với công ty dầu khí khổng lồ do Nhà nước kiểm soát Petroleos de Venezuela (PDVSA). Đầu năm nay, công ty Mỹ này đã công bố mục tiêu tăng sản lượng lên 35% so với cùng kỳ năm ngoái bằng cách đưa các giếng dầu mới đi vào hoạt động.

Đầu tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela Yvan Gil Pinto xác nhận rằng, ông Maduro đã nhận được lời mời tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến ​​diễn ra vào tháng 10 tại thành phố Kazan của Nga.

"BRICS đang thiết lập một hệ thống đa tiền tệ. Venezuela đã tham gia. BRICS đang thiết lập một giải pháp thay thế cho SWIFT. Venezuela đã tham gia. BRICS đã đưa ra các đề xuất về thương mại. Venezuela đã tham gia", nhà lãnh đạo Venezuela trả lời câu hỏi của phóng viên TASS về việc sẵn sàng gia nhập BRICS.

Tham khảo: TASS, RT, CNA


(0) Bình luận
Quốc gia đang ngồi trên 303 tỷ thùng dầu úp mở sẽ trao quyền phát triển dầu khí cho BRICS: khối kinh tế 'đối trọng G7' sắp như 'hổ mọc thêm cánh'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO