[Podcast] Tài chính tuần qua: Thị trường chứng khoán trong và ngoài nước cùng giảm điểm

Quỳnh Anh | 08:38 25/02/2023

Tuần qua, Bộ Tài chính chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng “ép” khách hàng mua bảo hiểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 676.000 tỷ đồng trong năm nay. Và một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp trong nước.

[Podcast] Tài chính tuần qua: Thị trường chứng khoán trong và ngoài nước cùng giảm điểm
Ảnh minh họa: gopixa/123RF Stock Photo

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh tình trạng “ép” khách hàng mua bảo hiểm 

Ngày 15/2/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy các Ngân hàng MBBank, VPBank, Techcombank, VIB, TPBank đều thu hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm trong năm 2022.

Mục tiêu giải ngân ít nhất 676.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023

Nhìn nhận, thúc đẩy đầu tư công là "nguồn lực, động lực phát triển" trong bối cảnh thế giới khó đoán định, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2023, tương đương hơn 675.000 tỷ đồng.

Đến ngày 17/2, số vốn các bộ, ngành và địa phương được phân bổ, giao kế hoạch chi tiết danh mục dự án đạt trên 595.600 tỷ đồng. Còn lại hơn 117.300 tỷ đồng vốn ngân sách chưa được phân bổ chi tiết.

Năm 2022, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 80% kế hoạch, tương đương gần 93% mục tiêu Thủ tướng chính phủ giao. Tổng giá trị giải ngân đầu tư công năm 2022 đạt gần 540.000 tỷ đồng. 

Như vậy mục tiêu năm 2023 mà Thủ tướng giao cao hơn khoảng 25% so với kết quả giải ngân năm 2022. 

Chứng khoán trong và ngoài nước cùng giảm điểm 

Trong phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng hơn 27 điểm để kết phiên ở mức xấp xỉ 1.069 điểm.  

Nhiều ý kiến cho rằng nhóm cổ phiếu bất động sản khởi sắc sau khi Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát đi thông điệp từ các phía cơ quan chức năng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp và thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn. 

Ngày 22/2, thông tin “khất nợ” lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng của Novaland cùng thời điểm chứng khoán toàn cầu lao dốc đã đẩy thị trường trong nước giảm sâu. Cổ phiếu nhóm bất động sản giảm điểm, gây sức ép lên nhóm cổ phiếu ngân hàng. Một phần nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp bất động sản liên tục khó khăn khiến rủi ro nợ xấu của ngân hàng gia tăng. 

Các phiên giảm điểm trong tuần đã xóa sạch đà tăng ghi nhận trong phiên giao dịch đầu tuần. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch tuần này ở mức xấp xỉ 1.040 điểm, giảm gần 20 điểm so với đầu tuần. 

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm trong hầu hết các phiên giao dịch tuần qua, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 1 cho thấy quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất để kìm chế lạm phát.

Áp lực lãi suất cũng là mối lo của các thị trường khác. Chứng khoán châu Âu giảm điểm với chỉ số Stoxx 600 của thị trường khu vực mất 0,33% điểm số. Chỉ số MSCI toàn cầu đo thị trường chứng khoán của 50 quốc gia giảm 0,45% trong phiên giao dịch ngày 22/2. 

Giá xăng, dầu cùng giảm

Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95-III giảm 320 đồng, về còn 23.440 đồng một lít. Xăng E5 RON92 cũng có mức giảm tương tự, xuống còn 22.540 đồng.

Các mặt hàng dầu, trừ mazut, cũng được giảm giá bán tại kỳ điều hành hôm nay. Riêng mặt hàng dầu mazut tăng 620 đồng, lên 14.250 đồng một kg.

Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhiều lao động nhất TP.CM cắt giảm 6.000 nhân sự

Theo báo cáo nhanh của Liên đoàn Lao động quận Bình Tân gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM, do ít đơn hàng sản xuất, năm 2023, Công ty PouYuen Việt Nam sẽ không tái ký hợp đồng lao động sau khi hết hạn với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng lao động 1-3 năm.

Công ty Pou Yuen cũng dự kiến cắt giảm 3.000 lao động trong tháng 2. Công nhân bị cắt giảm sẽ không đến công ty làm việc nhưng vẫn được chi trả lương cho đến khi nhận chế độ.

Công đoàn Công ty Pou Yuen cho biết số lao động bị cắt giảm thuộc nhóm phải nghỉ chờ việc, luân phiên kéo dài do một nhãn hàng giày rút đơn hàng từ năm ngoái. Công ty đã cố gắng sắp xếp nhưng không thể đảm bảo công việc cho số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng, đơn hàng sắp tới cũng không dự báo được.

Novaland đề xuất gia hạn thanh toán hoặc hoán đổi tiền gốc lấy bất động sản

Tối ngày 21/02, Novaland phát đi thông báo cho biết đã rất nỗ lực thực hiện thanh toán phần lãi đến hạn của lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng, đáo hạn ngày 12/2/2023. Công ty đề xuất trong 2 tháng sẽ cùng trái chủ đưa ra phương án thanh toán tiền gốc trái phiếu phù hợp với thực tế dòng tiền.

Novaland đồng thời đề xuất các phương án bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do Công ty đang đầu tư và phát triển.

Phía Novaland cho rằng các phương án đề xuất này đảm bảo về mặt pháp lý và phù hợp với định hướng xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu trong bối cảnh hiện nay theo nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ. 

Trước đó, ngày 14/2, Chứng khoán Dầu Khí đã có văn bản gửi Novaland cho biết đã đến thời hạn trong hợp đồng nhưng chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán gốc, lãi nào từ Novaland để thanh toán cho người sở hữu trái phiếu.

2 doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn 

Theo dữ liệu từ FiinRatings, tháng 1/2023 ghi nhận quy mô trái phiếu mua lại trước hạn đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. 

Mới đây, Bất động sản Đông Dương - chủ đầu tư dự án La Vida Residences đã mua lại trước hạn một phần trái phiếu phát hành vào giữa tháng 3/2020. Các mã trái phiếu này có lãi suất 12%/năm và sẽ đáo hạn vào tháng 3/2024. Tổng giá trị mua lại là 400 tỷ đồng, như vậy giá trị trái phiếu còn lưu hành là 800 tỷ đồng.

Công ty Cá Tầm Việt Nam cũng tiến hành mua lại hơn 527 tỷ đồng trong tổng số gần 1.246 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành thuộc lô trái phiếu phát hành trong 3 tháng từ ngày 10/2 – 10/5/2022 có thời hạn 2 năm.
Masan huy động 1.500 tỷ đồng trái phiếu 

Tuần qua, Tập đoàn Masan đã chào bán thành công tổng cộng 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng, thuộc 2 lô trái phiếu kỳ hạn 60 tháng, phát hành lần lượt ngày 20/2 và 22/2. 

Sau đợt chào bán, Masan ghi nhận tổng nợ 32,5 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm hơn 64%. Hiện tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu của Masan đã xấp xỉ 2,3 lần.

Ngày 17/3 tới, Masan dự kiến tiếp tục phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng nhằm mục đích thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của lô trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng đáo hạn ngày 30/3/2023.

Công ty cũng lên kế hoạch phát hành thêm 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để thanh toán một phần gốc đến hạn của lô trái phiếu trị giá 3.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào ngày 12/5/2023. Lô trái phiếu này chưa chốt ngày phát hành.

Kido hoãn chia cổ tức đặc biệt 50%, góp vốn thành lập công ty chế biến nước mắm

Tập đoàn Kido vừa thông báo tạm hoãn việc thực hiện chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức đặc biệt với tỷ lệ 50% đã thông qua tại Nghị quyết trước đó. Ngày đăng ký cuối cùng và thời gian chi trả sẽ được công ty thông báo sau.

Thông tin này gây bất ngờ bởi ngày 10/2 vừa qua, Kido đã thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 20/3 và ngày nhận cổ tức là 6/4 tới đây.

Cùng thời điểm, Kido cũng thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thực phẩm và Gia vị TA, hoạt động trong lĩnh vực chế biến và bảo quản nước mắm với vốn điều lệ dự kiến là 200 tỷ đồng. Trong đó, Kido sẽ tham gia góp 196 tỷ đồng, tương đương 98% vốn điều lệ của công ty này. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Tài chính tuần qua: Thị trường chứng khoán trong và ngoài nước cùng giảm điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO