[Podcast] Tài chính tuần qua: Tăng trưởng GDP cao nhất 11 năm, thị trường chứng khoán chưa hết ảm đạm

Quỳnh Anh SM | 09:08 31/12/2022

Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 13%, lạm phát năm 2022 dưới 4%, đồng Việt Nam mất giá 3,8% và một số tin tức nổi bật khác sẽ có trong bản tin tuần này.

[Podcast] Tài chính tuần qua: Tăng trưởng GDP cao nhất 11 năm, thị trường chứng khoán chưa hết ảm đạm
Ảnh minh họa.

Tăng trưởng GDP năm 2022 cao nhất 11 năm

Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12, GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm trước, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. 

Khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp cao nhất vào GDP cả nước với tỷ trọng 56,65%, Công nghiệp và xây dựng đóng góp 38,24%. Mức tăng ấn tượng nhất cũng thuộc về khu vực dịch vụ, với 9,99% trong năm 2022. 

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Tăng trưởng tín dụng đạt gần 13%

Tính đến 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số liệu tăng trưởng cung tiền năm nay đang thấp nhất lịch sử, đồng nghĩa với việc thị trường vốn đang không có tiền bơm vào. Các ngân hàng đang tích cực đưa ra nhiều ưu đãi lãi suất để thu hút tiền gửi của khách hàng, đảm bảo thanh khoản giai đoạn cuối năm. 

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định trong 10 ngày cuối năm, việc tăng trưởng tín dụng thêm 1 - 2 điểm % là “chuyện bình thường”. Cuối năm 2021, chỉ trong gần 1 tháng, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã lên tới 2,8%. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho thấy khả năng “tăng tốc” cho vay của toàn hệ thống ngân hàng trong tháng cuối năm nay.

Đồng Việt Nam mất giá 3,8%

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết có thời điểm mất giá 7-8% so với cuối năm 2021, nhưng đến ngày 27/12, thị trường tiền tệ, ngoại hối đã cơ bản ổn định, Đồng Việt Nam mất giá dưới 4%. Mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới.

Ngày 30/12, tỷ giá USD quay đầu giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về việc Trung Quốc mở cửa trở lại và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng lên. 

Cùng ngày, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.612 đồng/USD. Giá bán niêm yết tại Sở giao dịch là 24.780 đồng/USD và giá mua là 23.450 đồng/USD. 

Lạm phát năm 2022 dưới 4%

Bình quân 11 tháng, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%. CPI bình quân năm 2022 ước tăng 3,1 - 3,2% so với năm 2021, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội đề ra.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: "Quốc hội đã xác định chỉ tiêu lạm phát năm 2023 khoảng 4,5%, theo đó áp lực đối với Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ không đơn giản"

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhận định sang năm 2023, một số sắc thuế sẽ hết hiệu lực; giữa năm tăng lương cơ sở; loạt dự án lớn khởi công; việc Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch Covid-19... có thể khiến giá cả một số mặt hàng sẽ tăng lên, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến thị trường trong nước, trong đó có công tác điều hành giá.

Thị trường chứng khoán tiếp tục ảm đạm 

Phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index một lần nữa thủng mốc 1.000 điểm và đóng cửa thấp nhất phiên sau khi giảm 35,13 điểm, tương đương 3,4%. Mức giảm này đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á trong ngày 26/12.

Phiên giao dịch ngày 29/12 chứng kiến giá trị giao dịch toàn thị trường dưới mức 10.000 tỷ đồng, mức thấp nhất trong hơn một tháng qua.

Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng thừa nhận thanh khoản dịp cuối năm lúc nào cũng trở nên khó khăn hơn. Các công ty chứng khoán và ngân hàng phải đưa tỷ lệ tiền về mức an toàn nên càng khó kỳ vọng dòng tiền dồi dào ở thời điểm này.

Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của năm 2022, VN-Index đóng cửa ở mức 1.007 điểm, giảm hơn 13 điểm so với đầu tuần. Tính chung cả năm nay, chỉ số VN-Index giảm gần 52% từ mức đỉnh trong phiên đầu năm. 

Dự báo về tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, Ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group cho biết: “Tôi nghĩ rằng sang tuần tới, chúng ta không kỳ vọng quá nhiều với điều kiện thị trường thanh khoản thấp như hiện nay.”

Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp

Doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2023

Ngày 31/12/2022, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng xuống còn 8%, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ hết hiệu lực. 

Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam đã có công văn gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến 31/12/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, sức ép lạm phát cao, tỷ giá, lãi suất tăng cao; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh biến động mạnh… trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi. 

Cổ đông Kinh Bắc thống nhất giảm vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng

Sáng 28/12, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 với nhiều nội dung quan trọng.

Cổ đông của Kinh Bắc đã nhất trí thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương ứng 13% số cổ phiếu đang lưu hành để giảm vốn điều lệ. Số tiền chi cho việc mua lại tối đa 3.400 tỷ đồng. 

Một số nội dung được ĐHĐCĐ thông qua bao gồm kế hoạch kinh doanh năm 2023 của công ty, niêm yết trái phiếu, huỷ phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận được 2.000 đồng). 

Kinh Bắc đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 9.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế dự kiến 4.000 tỷ đồng.

Nhiều ‘đại gia' trên sàn chứng khoán dự báo lãi quý IV giảm mạnh

Mùa báo cáo tài chính quý IV/2022 chưa bước vào cao điểm nhưng nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán đã công bố số liệu ước tính với kết quả lợi nhuận không mấy khả quan.

PV Gas ước tính lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 chỉ đạt gần 1.600 đồng, giảm khoảng 22% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất kể từ quý III/2016. Tuy vậy, kết quả kinh doanh lũy kế cả năm 2022 vẫn khả quan với doanh thu trên 100.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi hoạt động. 

Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng dự báo lỗ sau thuế quý IV khoảng 723 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi gần 2.700 tỷ đồng. Nếu ước tính này chính xác, đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất của Bình Sơn kể từ quý II/2020.

Tương tự, Đạm Phú Mỹ dự báo lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 chỉ ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Thế nhưng, doanh thu năm 2022 ước đạt ước đạt gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng, gần gấp đôi so với thực hiện năm 2021, chủ yếu nhờ lãi lớn trong 9 tháng đầu năm. 

Quý IV/2022, Cảng hàng không Việt Nam cũng ghi nhận lợi nhuận thấp nhất trong 5 quý, giảm 25% so với cùng kỳ. 

Trước đó, một số công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp thép như Hòa Phát và Hoa Sen Group với kết quả không mấy khả quan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Tài chính tuần qua: Tăng trưởng GDP cao nhất 11 năm, thị trường chứng khoán chưa hết ảm đạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO