[Podcast] Tài chính tuần qua: Dư nợ tín dụng vượt tiền gửi sau 10 năm, cuộc chiến pháp lý tại Xây dựng Hòa Bình

Quỳnh Anh SM | 08:50 07/01/2023

Tuần vừa qua, từ ngày 2/1 đến 6/1, cuộc chiến pháp lý tại Công ty Cổ phần Xây dựng Hòa Bình thu hút nhiều chú ý. Đồng thời, tín dụng tiếp tục căng thẳng, khi lần đầu tiên dư nợ vượt số dư tiền gửi sau 10 năm.

[Podcast] Tài chính tuần qua: Dư nợ tín dụng vượt tiền gửi sau 10 năm, cuộc chiến pháp lý tại Xây dựng Hòa Bình
Ảnh minh họa: Nadia Méndez/Getty Images

Dự báo 1/3 nền kinh tế toàn cầu suy thoái trong năm 2023

Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa cảnh báo, kinh tế thế giới trong năm mới sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn. Nguyên nhân là ba nền kinh tế lớn gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc – vốn là động lực chính của tăng trưởng, đều đang giảm tốc.

Ngoài ra, triển vọng của các thị trường mới nổi có thể còn tồi tệ hơn vì mức nợ và việc đồng USD mạnh lên. Theo IMF, một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm 2023.

Tháng 10/2022, IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023 xuống còn 2,7%, phản ánh sự kéo dài liên tục của cuộc chiến ở Ukraine cũng như áp lực lạm phát và lãi suất cao. Nếu không tính khủng hoảng tài chính toàn cầu và năm đại dịch lên đỉnh điểm, đây sẽ là năm tệ nhất của kinh tế thế giới kể từ 2001.

Dư nợ tín dụng vượt tiền gửi của dân cư sau 10 năm

Tính tới 21/12/2022, tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư đạt 11,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 5,99% so với đầu năm. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất của hệ thống ngân hàng trong chục năm trở lại đây.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng khoảng 14,5% so với đầu năm, lên xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên từ năm 2012, dư nợ tín dụng vượt số dư tiền gửi tại hệ thống ngân hàng. Ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022 - mức tăng lớn nhất từ trước đến nay xét về giá trị tuyệt đối. 

Theo Chứng khoán Yuanta, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) của nhiều nhà băng đã chạm trần. Nhiều nhà băng phải tăng cường huy động trên thị trường liên ngân hàng hoặc các định chế tài chính nước ngoài để bù đắp khoản thiếu hụt từ tiền gửi của dân cư.

VN-Index tăng gần 40 điểm trong phiên đầu năm

Phiên đầu tiên của năm 2023 diễn ra với xu hướng tích cực, khi sắc xanh lan rộng ngay từ khi mở cửa. Không còn là nhịp giao dịch giằng co trong biên độ hẹp như tuần cuối cùng của năm 2022, lệnh mua chủ động đẩy giá giúp VN-Index nới rộng đà tăng liên tục. 

Đóng cửa phiên giao dịch đầu năm, ngày 3/1, VN-Index đạt 1.044 điểm, tăng gần 37 điểm, tương đương 3,7%. HNX-Index tăng thêm 3,5%, UPCOM-Index cũng tăng hơn 1%.

Tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, VN-Index tăng liên tục trong 3 phiên đầu tuần và giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần. VN-Index đóng cửa ở mức 1.051 điểm, tăng hơn 44 điểm so với cuối năm 2022. 

Giá xăng vượt mức 22.000 đồng/lít

Ngày 3/1, giá xăng đã được điều chỉnh tăng thêm 350 đồng/lít. Xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) có mức giá mới 22.150 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng lên 21.350 đồng.

Tương tự, các mặt hàng dầu (trừ dầu diesel) đều tăng giá với mức tăng từ tăng 110 - 600 đồng trên một đơn vị, tùy từng loại. 

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, kỳ điều hành này, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng tăng giá của giá thế giới và thuế bảo vệ môi trường, áp dụng từ ngày 1/1 đến hết năm 2023.

Theo đó, mức thuế áp dụng với mỗi lít xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng, dầu diesel 1.000 đồng, dầu hoả 600 đồng, dầu mazut 1.000 đồng và dầu nhờn, mỡ nhờn là 1.000 đồng một kg.

Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp

Toàn cảnh “cuộc chiến” tranh giành quyền lực tại Xây dựng Hòa Bình
Giữa tháng 12/2022, ông Lê Viết Hải, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT công ty. Đồng thời, HĐQT đã thông qua việc ông Nguyễn Công Phú đảm nhiệm vị trí thay thế, kể từ ngày 1/1/2023.

Tuy nhiên, ngày 31/12/2022, Hòa Bình công bố Nghị quyết HĐQT nhằm hoãn thi hành các quyết định mà Nghị quyết trước đó thông qua, bao gồm việc ông Hải từ nhiệm.

“Nhóm ông Phú” - bao gồm ông Phú và 3 thành viên khác của HĐQT đã lên tiếng thông qua một thông cáo báo chí gửi đi với tư cách cá nhân, rằng những quyết định của Nghị quyết HĐQT công bố ngày 31/12/2022 không có hiệu lực nên ông Phú đương nhiên là Chủ tịch HĐQT hợp pháp. Nguyên nhân là do chỉ có 4 thành viên HĐQT tham dự cuộc họp, chưa đủ điều kiện để tổ chức (theo quy định của Hòa Bình phải có 5/8 thành viên HĐQT tham dự).

Tuy nhiên, theo nhận định từ luật sư, khi chưa có quyết định của Tòa án xác định một nghị quyết của HĐQT là vô hiệu thì Nghị quyết đó vẫn được coi là hợp pháp. Vì thế, ông Hải vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Hòa Bình. 

Chiều ngày 5/1, phía ông Phú đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí và khẳng định các cuộc họp bất thường của ông Lê Viết Hải nhằm đưa ra nghị quyết hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm đều không đúng quy định. Đồng thời, ông Phú tiết lộ số dư khả dụng của Hòa Bình hiện chỉ còn 23 tỷ đồng. 

Đến ngày 6/1, Tập đoàn Hòa Bình đã ra thông cáo báo chí cho biết việc cung cấp thông tin, phát tán tài liệu, cố tình diễn giải những thông tin, tài liệu sai lệch với bản chất là hành vi vi phạm pháp luật và quy định của Tập đoàn. 

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hải sẽ gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của ông Nguyễn Công Phú, ông Dương Văn Hùng và các cá nhân đã tiếp tay, giúp sức cho hai cá nhân này.

Vietcombank tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn

Vietcombank mới đây đã thay đổi biểu lãi suất huy động cho tiền gửi trực tuyến, trong đó các kỳ hạn ngắn đều lên mức kịch trần. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,8%/năm lên mức 6%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm lên 6%/năm.

Đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Vietcombank giữ nguyên mức lãi suất huy động. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng cùng mức 6,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 năm, 2 năm cũng giữ nguyên 7,4%/năm.

Như vậy, ngoài lãi suất kỳ hạn ngắn đã lên mức kịch trần quy định thì lãi suất kỳ hạn dài của Vietcombank vẫn ở mức thấp nhất thị trường.

Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận mức lãi nghìn tỷ sau 8 năm

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa có thông báo khẳng định "chắc chắn đã vượt được kế hoạch lợi nhuận đề ra của năm 2022", số liệu cụ thể sẽ được công bố chính thức tại báo cáo tài chính quý IV/2022 ngay trong tháng 1 này.

Trước đó, công ty của bầu Đức đặt kế hoạch khá tham vọng với mục tiêu lợi nhuận năm 2022 lên đến 1.120 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm trước đó. Với lợi nhuận dự kiến vượt 1.120 tỷ đồng, HAGL đã quay lại mức lãi nghìn tỷ sau 8 năm. 

Thông cáo được đưa ra sau khi doanh nghiệp này xin dời lịch thanh toán một phần tiền gốc và lãi trái phiếu với tổng giá trị 1.021 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có lịch trả nợ vào ngày 30/12/2022, số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ và tiền lãi hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, HAGL xin dời thời hạn thanh toán sang quý II/2023.

Viettel báo lãi trước thuế cao nhất 5 năm 

Viettel ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 163.800 tỷ đồng, lãi trước thuế 43.100 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.

Viettel tiếp tục là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất cả nước với 54% thị phần. Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, Viettel lần đầu tiên ghi nhận doanh thu dịch vụ đạt hơn 70.000 tỷ đồng, đóng góp 50% vào doanh thu dịch vụ viễn thông. Nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 chạm 500 triệu USD, cao nhất trong 5 năm qua. 

Một đại gia viễn thông công nghệ khác là VNPT cũng ghi nhận doanh thu cả năm đạt 55.209 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 6.630 tỷ đồng, giảm khoảng 6% so với năm 2021.

MobiFone cũng cho biết doanh thu công ty mẹ tính theo phương pháp ghi nhận “doanh thu theo dung lượng thực tế sử dụng” ước đạt hơn 28.300 tỷ đồng, lãi trước thuế trên 2.700 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Tài chính tuần qua: Dư nợ tín dụng vượt tiền gửi sau 10 năm, cuộc chiến pháp lý tại Xây dựng Hòa Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO