Năm 2008, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) chính thức sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Ngay sau khi được sáp nhập, Mê Linh đã được chú trọng đầu tư đặc biệt, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu vực, điển hình như: Trụ sở làm việc, tuyến đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh, tuyến đường 35, quốc lộ 23B, tuyến đường hành lang đê tả sông Hồng…Đặc biệt, năm 2008 số lượng các dự án, khu đô thị lớn được phê duyệt, khởi công xây dựng ở Mê Linh tăng mạnh chưa từng có.
Thống kê cho thấy, thời điểm 2008 Mê Linh có tới 47 dự án bất động sản nhà ở, đô thị được phê duyệt, trong đó 18 dự án được cấp phép trong vòng một tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực.
Thời điểm đó, Mê Linh được mệnh danh là "vùng đất vàng" của các nhà đầu tư. Với vị thế gần Hà Nội, hạ tầng rộng mở nơi đây thu hút hàng nghìn nhà đầu tư, thị trường bất động sản nhộn nhịp.
Đến năm 2011, thị trường trầm lắng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, cùng với sự nỗ lực của chính quyền trong tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng, các dự án tưởng chừng như “chìm trong băng” đã dần hồi sinh. Có dự án bắt đầu đón người dân về sống, là tín hiệu khởi đầu cho Mê Linh quay trở lại vị thế của một từ huyện nhỏ nơi cửa ngõ thủ đô đến thành phố tương lai phía Bắc Hà Nội.
Cụ thể, các dự án như Melinh Central của Tập đoàn HUD, Khu đô thị CEO Homes Hana Garden của Tập đoàn CEO Group, khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và (Mê Linh New City), khu nhà ở Minh Đức (Melinh Vista City) đều đang cấp tập triển khai hạ tầng cùng hàng loạt các dự án đang điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện pháp lý.
Ghi nhận tại dự án Melinh Central có thể thấy toàn bộ diện tích đấu giá giai đoạn 1 đã được xây dựng nhanh chóng, các dãy nhà đang cất nóc và một số căn đã hoàn thiện phần thô, dự kiến tháng 6 năm nay có thể đón cư dân về sinh sống. Diện tích đấu giá giai đoạn 2 cũng đang cấp tập làm hạ tầng.
Cách Melinh Central không xa, ở vị trí trung tâm hơn cả, Khu đô thị CEO Homes Hana Garden của Tập đoàn CEO Group cũng đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai, hứa hẹn trở thành một khu đô thị xanh, thông minh, tích hợp tiện ích hiện đại cùng cảnh quan độc đáo.
Các dự án nhỏ hơn, như Mê Linh New City, Melinh Vista City đều đang triển khai tiếp hạ tầng song hành với hoàn tất các thủ tục pháp lý để tái khởi động lại dự án sau nhiều năm chậm trễ.
Được biết, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có tổng số 60 dự án (trong đó có 47 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở) nhưng phần lớn đã hết tiến độ thực hiện dự án được các cấp thẩm quyền phê duyệt tại giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt, chấp thuận dự án trước đây. Nguyên nhân các dự án bị bỏ hoang ở Mê Linh là do từ khi sáp nhập địa giới hành chính (năm 2008) từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, các dự án đều vướng mắc về công tác điều chỉnh quy hoạch kéo dài, công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư chậm (từ 3-5 năm), công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (có những dự án kéo dài 13 năm).
Nhận thấy các dự án chậm triển khai gây bức xúc dư luận địa phương, đồng thời Nhà nước không thu được tiền sử dụng đất và phát triển kinh tế xã hội địa phương, Thường trực Huyện uỷ Mê Linh đã trực tiếp làm việc với một số chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ kéo dài, lắng nghe ý kiến của các chủ đầu tư, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và quyết tâm triển khai dự án, đưa các dự án vào hoạt động sớm để thu ngân sách phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Đồng thời kiến nghị thu hồi đối với các dự án chây ỳ, cố tình kéo dài, không triển khai. Quỹ đất thu hồi sẽ được giao cho các chủ đầu tư lớn, đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để xây dựng các khu đô thị làm thay đổi diện mạo đô thị Mê Linh, hướng tới thành phố dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, hội nhập quốc tế, cực tăng trưởng mới của đô thị phía Bắc sông Hồng, theo đúng tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.