Phiên bản Trump 2.0 đang rất có lợi cho Trung Quốc, liệu “tuần trăng mật” sẽ kéo dài mãi mãi?

Tất Đạt | 07:59 25/01/2025

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump dường như mang lại một khởi đầu tốt lành cho Trung Quốc.

Phiên bản Trump 2.0 đang rất có lợi cho Trung Quốc, liệu “tuần trăng mật” sẽ kéo dài mãi mãi?

Tân Tổng thống Mỹ cho đến nay vẫn chưa hành động theo lời đe dọa về việc áp thuế quan nặng nề đối với Trung Quốc. Ông nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo chính trị tại một diễn đàn kinh tế ở Davos rằng hai nước có thể có "mối quan hệ rất tốt". Ông Trump còn được cho là đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thăm thủ đô Trung Quốc trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, ông Trump thậm chí còn hoãn lệnh cấm trong 75 ngày đối với ứng dụng TikTok do Trung Quốc sở hữu và ra hiệu rằng ông sẽ “xem xét nới lỏng” luật yêu cầu công ty này phải thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh tại Mỹ hoặc sẽ bị cấm.

Theo CNN, tất cả những điều này đang cùng nhau phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng vị tổng thống mới sẵn sàng đàm phán - và ký kết các thỏa thuận - với Trung Quốc. Ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Đó là tin đáng mừng đối với Trung Quốc – quốc gia vốn đang chuẩn bị cho một giai đoạn hỗn loạn trong quan hệ Mỹ - Trung khi ông Trump bổ nhiệm nội các với những người theo chủ nghĩa diều hâu với Trung Quốc và vận động áp thuế cao đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào nước Mỹ.

“Trung Quốc nhận ra rằng có cơ hội để đàm phán với ông Trump”, học giả chính trị Liu Dongshu của trường Đại học Hồng Kông cho biết. “Và một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Trung Quốc quan trọng hơn đối với Trung Quốc so với Mỹ… vì vậy Trung Quốc rất muốn kết nối với Trump”.

gettyimages-872110882.jpeg

Bắc Kinh có nhiều lợi thế, vì một cuộc chiến thương mại kiểu “ăn miếng trả miếng” - như cuộc chiến trong nhiệm kỳ trước của ông Trump - sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu đang suy yếu của Trung Quốc, và vào đúng thời điểm không thích hợp. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất muốn nắm bắt cơ hội để làm dịu đi đường lối cứng rắn của tổng thống Mỹ.

Ông Tập ​​Cận Bình đã kêu gọi một “điểm khởi đầu mới” trong quan hệ Mỹ - Trung trong cuộc gọi với ông Trump vài ngày trước lễ nhậm chức và cử Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đến thủ đô Mỹ để tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức. Ông Hàn là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc từng tham dự một sự kiện như vậy.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tuần này, Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường cho biết Bắc Kinh muốn "thúc đẩy thương mại cân bằng", không phải "thặng dư" với thế giới - đưa ra một nhận định trực tiếp liên quan đến khiếu nại chính của ông Trump về mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng không ảo tưởng nhiều về tốc độ thay đổi trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Hơn thế, họ có thể đang tính toán cẩn thận cách sử dụng khoảng thời gian yên bình để đàm phán với vị tổng thống "đa mưu túc trí" trong những tháng tới.

Kiềm chế mối đe dọa thuế quan

Một thỏa thuận “giai đoạn một” là điều ám ảnh mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Đây là khoản thỏa thuận tiếp diễn của năm 2020 trong nhiệm kỳ trước của ông Trump. Nó đánh dấu một khả năng đình chiến sau khi ông Trump tăng hoặc áp thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ - đây là hành động mà ông tuyên bố sẽ cân bằng sân chơi với Trung Quốc và phần lớn thuế vẫn được duy trì kể từ đó.

Giờ đây, thỏa thuận - mà các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh chưa bao giờ thực hiện đầy đủ - là một phần trong vấn đề lớn hơn đối với quan hệ kinh tế Mỹ - Trung mà ông Trump đã kêu gọi trong một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức.

ap25020567557439.jpeg
Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính (trái) tại Mỹ 

Việc đánh giá đầy đủ lại mối quan hệ này sẽ là điều tiên quyết để Nhà Trắng quyết định có áp thuế đối với Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, dự kiến việc này ​​sẽ mất nhiều tháng. Điều đó giúp Bắc Kinh có thời gian xây dựng mối quan hệ với ông Trump, tiếp đón ông tại Bắc Kinh hoặc thúc đẩy một thỏa thuận phòng ngừa để tránh các hình phạt kinh tế nghiêm trọng hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Trump mô tả thuế quan là một "sức mạnh to lớn" nhằm ứng phó Trung Quốc, nhưng cho biết ông "thà không phải sử dụng chúng” và nghĩ rằng hai nước có thể đạt được một thỏa thuận thương mại. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu ông Trump có tăng cường lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ nhạy cảm hay không.

"Trung Quốc đã nhận ra rằng có thể đàm phán với ông Trump, nhưng ông ấy là một Trump mới, khác biệt. Những gì chúng ta cam kết lần trước có thể không đáp ứng được mong muốn mới của ông ấy", Shen Dingli, nhà phân tích các vấn đề đối ngoại có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết. Lần này, thay vì bị ông Trump ép buộc tham gia vào một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh có thể sẽ làm tốt hơn nếu "mỉm cười, giữ bình tĩnh và bắt đầu nói chuyện với ông ấy", Shen cho biết.

Thuế quan đối với 10% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ vẫn có thể được áp dụng sớm nhất là vào tháng tới để trả đũa cho những gì mà ông Trump mô tả là vai trò của các nhà cung cấp Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ma túy fentanyl của Mỹ.

Nhưng đó vẫn là một sự khác biệt lớn so với mức thuế 60% mà ông đã vận động - và những người quan sát chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có thể coi những mối đe dọa đó là đòn bẩy mà họ có thể sử dụng để xoa dịu ông Trump.

Ví dụ, các quan chức Trung Quốc có thể hành động để thực hiện nhiều hơn nữa thỏa thuận "giai đoạn một" hiện có và mở rộng hơn nữa thị trường khổng lồ của Trung Quốc cho các công ty nước ngoài. Họ cũng có thể thực hiện các hành động bổ sung để ngăn chặn việc xuất khẩu các hóa chất tiền chất được sử dụng để sản xuất fentanyl.

Trong các cuộc tranh luận trong nước của Trung Quốc về chính sách đối ngoại, nhiều chuyên gia cũng đang ủng hộ đối thoại và hợp tác về kinh tế thay vì đường lối cứng rắn.

Jia Qingguo, cựu hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế danh tiếng của Đại học Bắc Kinh, đã bày tỏ như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

"Thay vì phủ quyết toàn bộ mọi đề xuất của Mỹ, Trung Quốc nên phân tích những vấn đề nào cần phản đối và những vấn đề nào có thể hợp tác dựa trên lợi ích của chúng ta", ông nói.

Nếu ông Trump đến thăm Bắc Kinh trong những tháng tới, một chuyến đi mà các nguồn tin thân cận với tổng thống cho biết ông đang xem xét, thì đó cũng sẽ là cơ hội quan trọng để Bắc Kinh lấy lòng nhà lãnh đạo xứ cờ hoa.

'Không được lơ là cảnh giác'

Nhưng cũng có những giới hạn rất thực tế đối với mức độ mà Trung Quốc có thể nhượng bộ trước các yêu cầu của ông Trump - và sự hoài nghi trong nội bộ Trung Quốc về khả năng hợp tác với chính quyền của ông. Ông Tập Cận Bình đã chỉ ra những điều đó trong cuộc gọi với ông Trump một tuần trước.

“Điều quan trọng là tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau”, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết.

Trong nội bộ Trung Quốc cũng có cuộc tranh luận về cách chính phủ Trung Quốc nên phản ứng nếu tổng thống Mỹ bắt đầu tăng thuế quan nặng nề đối với hàng hóa Trung Quốc - và các dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng.

gettyimages-2194281093.jpeg

Quốc gia này đã cải tổ các quy định kiểm soát xuất khẩu của mình vào cuối năm ngoái. Trung Quốc cũng hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng và các công nghệ liên quan mà các quốc gia khác dựa vào để chế tạo các sản phẩm từ hàng hóa quân sự đến chất bán dẫn - một loại đòn bẩy khác mà Bắc Kinh có thể sử dụng để chống lại thuế quan.

Trong khi đó, bất kỳ thỏa thuận nào giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không tồn tại một cách độc lập. Thay vào đó, nó sẽ nằm giữa vô số căng thẳng giữa hai bên về các vấn đề bao gồm cái gọi là “hồ sơ nhân quyền” của Trung Quốc, cuộc cạnh tranh giành quyền thống trị về công nghệ và quân sự, và cán cân quyền lực ở châu Á.

Trung Quốc khó có thể kiềm chế các động thái gia tăng căng thẳng - như động lực hiện đại hóa, mở rộng quân đội và sự hung hăng của nước này trong việc thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Nhiều nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng - không giống như ông Trump - không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng hợp tác với quốc gia mà họ coi là mối đe dọa chính đối với vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cần đảm bảo rằng họ tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong các giao dịch với Mỹ, cả đối với người dân trong nước và các quốc gia thuộc nhóm Global South - nơi Bắc Kinh muốn thể hiện sự lãnh đạo.

Vì vậy, ngay cả khi các quan chức Trung Quốc đang chào đón những lời đề nghị từ một ông Trump “ít hiếu chiến” hơn trong tuần đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, vẫn có sự hoài nghi trong Trung Quốc rằng những tín hiệu ấm áp hơn mong đợi đó sẽ kéo dài.

“Điều này không có nghĩa là mối quan hệ Trung-Mỹ dễ dàng hơn; chỉ là cách tiếp cận của Mỹ đã thay đổi”, Jin Canrong, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung-Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết trong một video được đăng trên tài khoản của ông trên nền tảng Weibo. “Chúng ta không được lơ là cảnh giác… Mỹ vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược”.

Tham khảo CNN


(0) Bình luận
Phiên bản Trump 2.0 đang rất có lợi cho Trung Quốc, liệu “tuần trăng mật” sẽ kéo dài mãi mãi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO